Khó xác định giữa phạm vi dân sự và hình sự trong xử lý tội phạm tín dụng đen
Việc xử lý tội phạm liên quan đến tín dụng đen cũng gặp khó khăn do số đối tượng dùng các thủ đoạn lách luật nên khó xác định giữa phạm vi dân sự với hình sự.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tín dụng đen tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra sáng nay (10/8).
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm |
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, 3 năm qua, lực lượng Công an phối với các lực lượng có liên quan đã xử lý, giải quyết trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm tín dụng đen. Qua đó, đã kiềm chế và đẩy lùi được loại tội phạm này, không còn tình trạng phức tạp, công khai, lộng hành như thời gian trước đây. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là cho vay qua Internet.
Gần đây, ngành Công an triệt phá băng nhóm hoạt động với quy mô lớn, hoạt động ở nhiều tỉnh thành do các đối tượng, thậm chí có cả người nước ngoài tham gia điều hành với quy mô rất lớn, với số tiền cho vay lên tới nghìn tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do nhu cầu tín dụng đen trong Nhân dân rất lớn, nhiều người khó khăn bị các đối tượng lợi dụng. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn, tận dụng kẽ hở giữa hoạt động dân sự và hình sự để cho vay. Việc xử lý tội phạm liên quan đến tín dụng đen cũng gặp khó khăn do số đối tượng dùng các thủ đoạn lách luật nên khó xác định giữa phạm vi dân sự với hình sự.
"Đây là ranh giới rất phức tạp, nếu không thận trọng có thể hình sự hóa các quan hệ dân sự. Nếu không làm nghiêm thì lại bỏ lọt tội phạm", ông Tô Lâm nói.
Về các giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tới đây sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", không được chủ quan chùng xuống.
Cùng đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, toàn dân trong giải quyết các loại tội phạm này. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, để nhân dân phòng ngừa.
Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của ngân hàng một cách thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu, không phải không phải đi vay tín dụng đen.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm, ngành Công an sẽ tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" bởi phần lớn các tổ chức "tín dụng đen" đều có liên quan, có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự.
“Vì vậy ngành Công an đã có giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các nhóm tội phạm có tổ chức. Đây là giải pháp rất quan trọng đã thực hiện thành công và sẽ tiếp tục thực hiện”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Tham gia trả lời thêm về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về việc các tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn. Khi vay, khách hàng phải nêu rõ mục đích và khả năng trả nợ. Hai bên thỏa thuận thời hạn trả nợ.
Tuy nhiên, thực tế có thể vì lý do nào đó khách hàng chưa trả được nợ nên đề nghị ngân hàng cho phép gia hạn. Khách cần có đơn đề nghị, chứng minh được khả năng trả nợ theo thời hạn mới. Nếu khách hàng không đề nghị gia hạn nợ mà đi vay tiền từ người thân hoặc từ tín dụng đen để trả thì các ngân hàng "khó biết được việc này".
"Mạng lưới tổ chức tín dụng rất đa dạng, công ty tài chính đã hiện diện trên toàn quốc nên nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tiếp cận kênh chính thống" - bà Hồng khuyến cáo.