Ngăn ngừa tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm
Dự thảo Nghị quyết đã quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Ảnh: Phạm Thắng
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, sáng 30.10, Quốc hội nghe tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến, thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc đặt ra nhất là trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Nhiều vật chứng, tài sản có giá trị lớn tồn đọng khi bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong thời gian dài chưa được xử lý sớm để lưu thông, gây đóng băng, lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Đồng thời còn thiếu các biện pháp để các cơ quan tố tụng thực hiện ngay từ đầu nhằm ngăn chặn sớm việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản trước khi có đủ căn cứ áp dụng các biện pháp tố tụng kê biên, phong tỏa.
Việc thí điểm chỉ áp dụng đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Dự thảo nghị quyết bảo đảm khơi thông nguồn lực, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm thu hồi sớm, tối đa giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Phiên họp sáng 30.10 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng
Về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm:
Thứ nhất, trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý.
Thứ hai, nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa.
Thứ ba, cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng.
Thứ tư, giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng.
Thứ năm, tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Đối với từng biện pháp đều quy định rõ nội dung, điều kiện áp dụng, thẩm quyền, đối tượng; riêng biện pháp thứ năm còn quy định rõ thời hạn áp dụng.
Đối với 4 biện pháp đầu tiên quy định nhất quán, xuyên suốt, chỉ áp dụng khi có đủ 5 điều kiện, thiếu 1 điều kiện thì không được áp dụng.
Một là, chỉ áp dụng đối với nhóm vật chứng, tài sản là: “tiền, bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” vì có giá trị lớn, phổ biến trong các vụ việc, vụ án.
Hai là, việc áp dụng phải có sự đồng ý, chủ động đề nghị của những người liên quan, bảo đảm quyền tài sản của họ, hạn chế tối đa việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đòi bồi thường.
Ba là, trước khi quyết định áp dụng, phải trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản theo quy định, bảo đảm khách quan, minh bạch, thu hồi tối đa, không để hao hụt, thất thoát giá trị của tài sản khi xử lý.
Bốn là, phải có sự thống nhất của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trước khi quyết định áp dụng, bảo đảm không để xảy ra vi phạm, lợi dụng, lạm dụng; bảo đảm nhất quán quan điểm trong xử lý với quyết định của Tòa án khi xét xử.
Năm là, việc xử lý phải không làm ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết đúng đắn vụ việc, vụ án.
Với biện pháp thứ năm, thí điểm biện pháp này nhằm ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu, tạo một bước sớm để kiểm tra, xác minh, khi có đủ căn cứ, điều kiện thì áp dụng ngay các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa theo quy định.
Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 và được thực hiện không quá 3 năm.