• :
  • :

Nhanh chóng phục hồi kinh tế gắn với an sinh xã hội

Một trong những nội dung quan trọng và được quan tâm nhiều nhất tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội đang diễn ra là đề xuất của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phần lớn các đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Chương trình này, đồng thời đề nghị, Chính phủ phải có giải pháp tổ chức thực hiện khả thi, kiểm soát để tránh trục lợi…

Nuôi dưỡng doanh nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra khoảng cách xã hội ngày càng lớn khi làm giảm thu nhập và phân phối lại thu nhập. Thực tiễn này làm cho người lao động ở khu vực phi chính thức và các nhóm yếu thế ngày càng yếu thế hơn. Tuy nhiên, nội dung thứ 9 của Phụ lục 1 về khung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ nêu việc nghiên cứu, hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do tác động của đại dịch, mà chưa đưa ra được chính sách với đối tượng, mức và hình thức hỗ trợ cụ thể.

Nhanh chóng phục hồi kinh tế gắn với an sinh xã hội

Các đại biểu thảo luận trực tuyến về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Trong khi đó, các giải pháp tài khóa, tiền tệ chỉ tập trung thực hiện trong 2 năm thì khu vực phi chính thức và nhóm yếu thế sẽ khó có thể nhận được hỗ trợ kịp thời. Với nguồn lực và thời gian có hạn như trên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung cụ thể hơn các chính sách cho khu vực phi chính thức, nhất là nhóm yếu thế, trong đó có chính sách trợ cấp bằng tiền mặt. Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển việc làm công, nhằm giải quyết lượng lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động di cư về quê theo quy định của Luật Việc làm năm 2013.

Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) đề nghị cần lựa chọn đúng và trúng đối tượng trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt những doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp hạt nhân từ các chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để tăng cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội thông qua doanh nghiệp, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động. Theo đại biểu, việc hỗ trợ nhà trọ, tiền sinh hoạt hàng tháng cho người lao động bị thất nghiệp chỉ là giải pháp tình thế, gốc rễ vẫn là bài toán việc làm, nuôi dưỡng doanh nghiệp chính là chìa khóa để giải quyết bài toán an sinh xã hội trong thời điểm này.

Dành chi phí hỗ trợ tiền xây nhà ở cho công nhân

Quan tâm đặc biệt đến vấn đề lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đưa ra nhiều đề xuất. Đại biểu phân tích, hiện nay, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động đều bị thu hẹp. Hàng triệu lao động dịch chuyển về quê đã dẫn tới đứt gãy thị trường lao động, thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại một số tỉnh phía Nam, nhất là những nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo Chính phủ, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đưa ra nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2025. Chương trình đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023.

Cụ thể: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, nhiều tỉnh có lao động trở về đang phải đối mặt với áp lực rất lớn về giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Nhấn mạnh một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là vấn đề lao động, đại biểu kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, áp dụng cả với lao động chính thức và năng lực của khu vực phi chính thức (hiện nay, dự thảo Nghị quyết đang đề xuất dành khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng và chỉ dành cho khu vực lao động chính thức); dành khoản chi phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân; dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ xét nghiệm, đi lại, tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đề nghị tiếp tục miễn giảm thuế, lệ phí là phù hợp, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái hoạt động, giải quyết việc làm cho lao động, kích thích nhu cầu phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh là cần thiết, để ổn định cho các doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể áp dụng đối tượng nào và doanh nghiệp nào, nên tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có nhiều lao động, hợp tác xã, các doanh nghiệp có sức lan tỏa rộng, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kích thích hoạt động, tăng vốn đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh. Với đề xuất tăng nguồn thu tiết kiệm chi năm 2021 đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, cần nói rõ đối tượng lao động là đối tượng nào để tránh mỗi nơi tùy tiện hỗ trợ, người được hỗ trợ, người không được, như công nhân, sinh viên, người lao động thu nhập thấp.

Đề xuất bổ sung nội dung về trợ giúp pháp lý

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (đoàn Hải Dương) lại đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người yếu thế và đối tượng chính sách vào mục tiêu của Chương trình. Đại biểu phân tích, dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn đến công việc, cuộc sống, sinh hoạt của người dân, nhất là những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý sẽ làm gia tăng số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các diện người được trợ giúp pháp lý khác, nhất là trong điều kiện áp dụng chuẩn nghèo mới.

Nhanh chóng phục hồi kinh tế gắn với an sinh xã hội

Nhà ở công nhân KCX Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: LĐ

Mặt khác, tình hình dịch bệnh kéo dài, đời sống thêm khó khăn cũng là nguyên nhân làm phát sinh thêm nhiều mối quan hệ phức tạp trong xã hội, gia đình; gia tăng, phát sinh các tranh chấp về tài sản, việc làm và có nguy cơ làm gia tăng cả một số loại tội phạm. Qua thống kê cho thấy, số liệu vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí trong tố tụng thực hiện cho đối tượng được trợ giúp pháp lý tăng lên trong khi dịch bệnh diễn ra.

Năm 2021, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đã thực hiện được 33.127 vụ việc tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, tăng 20% so với năm 2020 là 27.496 vụ việc. Với sự phân tích trên, có thể thấy rằng, trong thời gian tới, nhu cầu về trợ giúp pháp lý miễn phí của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế dự kiến sẽ tăng lên.

Việc xây dựng và kết nối dữ liệu về người thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành có liên quan nhằm giảm bớt các thủ tục, giấy tờ, chi phí hành chính và thời gian đi lại, gặp gỡ, tiếp xúc, góp phần vào việc thụ lý, giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý nhanh chóng, hiệu quả, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chính sách cũng là một nhu cầu hết sức thiết yếu./.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị cần có “ràng buộc trách nhiệm” trong thực thi Chương trình. Theo đại biểu, mục tiêu cốt yếu mà gói phục hồi lần này hướng đến đó là chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay, để sau một thời hạn nhất định sẽ thu được chi phí lớn hơn. Chính vì vậy, vấn đề cốt lõi, vấn đề hiệu quả thực tế mà đề án phải đạt được đó là cần trả lời được câu hỏi với hơn 346.000 tỷ đồng thì chúng ta sẽ thu lại được kết quả cụ thể gì? … Đồng thời, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị gói hỗ trợ cần tập trung vào 2 lĩnh vực cụ thể, đó là những ngành, nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành, nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất. Theo đại biểu, chúng ta không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách.

Phương Thảo

Lượt xem: 224
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết