Nhiều trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo điểm tốt nghiệp: Công bằng giữa các phương thức tuyển sinh trước thách thức lớn
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng hơn giữa các phương thức tuyển sinh nhưng nhiều trường vẫn áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh, thậm chí giảm chỉ tiêu tuyển sinh dành cho phương thức lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp.
Một trong những điểm mới dự kiến trong tuyển sinh đại học năm 2025 là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những điều chỉnh nhằm hạn chế xét tuyển sớm, có những quy định nhằm tạo sự công bằng hơn giữa các phương thức tuyển sinh.
Nhìn vào những động thái gần đây cho thấy, việc quy đổi điểm chuẩn về cùng thang điểm giữa các phương thức tuyển sinh sẽ là một trong những thay đổi nhằm đảm bảo công bằng cho các thí sinh.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, trước điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học lại có xu hướng tăng chỉ tiêu dành cho các phương thức tuyển sinh riêng.
Điều này đang đặt ra thách thức, liệu những điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo có đạt kết quả như kỳ vọng.
Cụ thể, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có lộ trình để không phụ thuộc quá nhiều vào việc thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức sẽ tăng dần qua các năm và giảm dần tỷ lệ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm 2025 tăng thêm 1 phương thức tuyển sinh so với năm ngoái: Đây là năm đầu tiên trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và sử dụng kết quả này để xét tuyển đại học.
5 phương thức còn lại gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học bạ; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tăng nhẹ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy. Trường vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm tới dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%.
Trường Đại học Thương mại dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; và tăng số chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều trường vẫn ưu tiên cho phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Cụ thể, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến năm 2025 tuyển 7.990 sinh viên cho 62 ngành và chương trình đào tạo, tăng 340 chỉ tiêu so với năm 2024).
Trường sử dụng 5 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu); xét điểm chứng chỉ quốc tế hoặc giải học sinh giỏi kết hợp với điểm học bạ cả ba năm THPT của ba môn theo tổ hợp (10%);
Dựa vào kết quả thi tốt nghiệp (80%); dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội kết hợp học bạ (5%) và kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội kết hợp học bạ (5%).
Theo dự đoán, những trường không tổ chức kỳ thi riêng họ vẫn xem phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là một nguồn tuyển chủ yếu.
Được biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều thay đổi quan trọng. Trong đó, thí sinh thi hai môn bắt buộc Ngữ Văn, Toán và 2 môn tự chọn. Kỳ thi thay đổi theo hướng đánh giá năng lực và các hình thức câu hỏi, ra đề cũng thay đổi.
Đây là năm đầu tiên ngữ liệu trong đề thi Ngữ Văn không ra trong ngữ liệu của sách giáo khoa. Chính vì vậy, kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự báo sẽ có những bất ngờ.
Có thể thấy, tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ có những thay đổi để phù hợp với Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, cùng với đó là những điều chỉnh nhằm siết chặt công tác tuyển sinh, tạo sự công bằng cho các thí sinh trong tuyển sinh đặc biệt những ngành hot, trường hot, nơi mà điểm chuẩn có thể đạt đến 29 điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển.