• :
  • :

Phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ sẽ thay đổi như nào trong năm 2025?

Trong năm 2025, các trường điểm sẽ hạn chế hoặc chấm dứt tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ, tuy nhiên đối với các trường gặp khó trong tuyển sinh thì đây vẫn là “mỏ vàng” để hút thí sinh ứng tuyển.

Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp và bằng điểm học bạ là hai phương thức được nhiều trường đại học áp dụng nhất. Tuy nhiên, với những thay đổi liên quan đến quy định tuyển sinh trong năm 2025 chắc chắn sẽ có xáo trộn liên quan đến việc xét tuyển bằng học bạ ở nhiều trường đại học.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025, nhiều trường đại học đã bắt đầu có điều chỉnh phương thức xét tuyển, đặc biệt là việc giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn hình thức xét tuyển dựa trên học bạ.

phuong thuc xet tuyen dai hoc bang hoc ba se thay doi nhu nao trong nam 2025 hinh 1

Tuyển sinh bằng phương thức xét điểm tổng kết học bạ vẫn có nhiều trường sử dụng, đặc biệt những trường gặp khó trong tuyển sinh (ảnh minh họa - Đại học Quốc gia Hà Nội).

Đơn cử như Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh dự kiến không sử dụng điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển từ năm 2025. Thay vào đó, trường sẽ tập trung vào kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, chiếm 40-50% chỉ tiêu tuyển sinh.

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng thống nhất ba phương thức tuyển sinh từ năm 2025, bao gồm xét tuyển thẳng, xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Các trường thành viên được khuyến khích xét tuyển kết hợp, đồng nghĩa với việc bỏ phương thức xét học bạ độc lập.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ độc lập, thay vào đó kết hợp điểm học bạ với các tiêu chí khác như chứng chỉ quốc tế hoặc giải học sinh giỏi.

Trường Đại học FPT bổ sung phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bên cạnh các phương thức xét tuyển hiện có.

Sở dĩ một số trường nói không với phương thức xét tuyển học bạ, bởi hình thức đánh giá này chưa phản ánh đầy đủ năng lực thực tế của thí sinh. Chương trình, cách đánh giá và chuẩn điểm tại các trường THPT không đồng nhất. Một điểm số cao tại một trường không nhất thiết tương đương với cùng điểm số tại trường khác. Có hiện tượng nới lỏng tiêu chí đánh giá để giúp học sinh đạt điểm cao hơn, gây mất công bằng trong tuyển sinh.

 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, so với các phương thức khác như thi tốt nghiệp THPT hay thi đánh giá năng lực, xét học bạ có thể không chọn lọc được những thí sinh xuất sắc nhất. Một số thí sinh có thể đạt điểm cao nhờ tập trung vào một số môn học kỳ học nhất định, nhưng không thể hiện được năng lực tổng thể.

Bên cạnh đó, phương thức này có nguy cơ làm giả hoặc điều chỉnh điểm học bạ không minh bạch để đạt điều kiện xét tuyển. Một số giáo viên bị áp lực phải "nâng điểm" để hỗ trợ học sinh trong việc xét tuyển.

Ngoài ra, điểm học bạ thường phản ánh kết quả học tập theo thời gian dài, nhưng không đánh giá được khả năng tư duy logic, giải quyết vấn đề hay sáng tạo của thí sinh trong các bài thi tập trung.

Tuy nhiên, điều không khó để nhận thấy, phương thức xét tuyển học bạ cũng có những ưu điểm như xét tuyển đơn giản, giảm áp lực thi cử. Nếu xét tuyển bằng học bạ kết hợp với các tiêu chí khác (chứng chỉ ngoại ngữ, điểm thi đánh giá năng lực) sẽ giúp hạn chế được những khuyết điểm của phương thức tuyển sinh này.

Bàn về việc xét tuyển đại học bằng học bạ, Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, kết quả đánh giá học bạ luôn cao hơn kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này dễ thấy vẫn còn tình trạng cả nể, dễ dãi trong đánh giá theo học bạ.

Ông Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nhiều trường đại học đang “quay xe” với tuyển sinh học bạ vì có nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất, tuyển sinh theo phương thức học bạ không đảm bảo được chất lượng đầu vào.

Có thể trong năm 2025, việc tuyển sinh bằng học bạ có thể bị tác động bởi các thay đổi từ quy định tuyển sinh. Theo dự kiến, việc tuyển sinh bằng học bạ yêu cầu sử dụng kết quả cả năm lớp 12 để đánh giá toàn diện hơn năng lực học tập của thí sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tăng trọng số các môn chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của từng ngành học và siết chặt quy định về xét tuyển sớm để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Những dự kiến thay đổi về tuyển sinh cũng sẽ ảnh hưởng đến chủ trương tuyển sinh bằng học bạ tại các trường đại học. Tuy nhiên, theo dự đoán phương thức tuyển sinh bằng học bạ vẫn là một trong những phương thức được nhiều nhà trường sử dụng nhất là các trường tư thục và các trường đại học không thuộc trường top gặp khó trong tuyển sinh.

Lượt xem: 7
Tác giả: Trinh Phúc
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...