• :
  • :

Sách lậu "tung hoành" trên mạng

Từ nhiều năm qua, sách lậu vẫn luôn là nỗi khổ tâm của các nhà làm sách. Nhất là trong điều kiện mạng xã hội phát triển, sách lậu, sách giả còn nở rộ với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

Sách lậu chuyển từ lề đường lên… mạng

Nếu như trước kia, các quầy sách ven đường hay trải bạt lề đường chính là “thiên đường” cho sách lậu thì nay, sự phát triển của mạng xã hội đã mang đến không gian mới cho sách lậu nở rộ.

Trên Facebook hiện có hàng ngàn trang kinh doanh sách online, rao bán sách cũ, mới. Trong số đó có không ít sách thật - giả lẫn lộn. Sách giả, sách lậu không chỉ có hình thức kém chất lượng mà nội dung cũng rất ẩu, mất trang, sai lỗi chính tả, in lem nhem, thậm chí có cả sách đã bị ngưng, cấm xuất bản. Tuy nhiên, vì sách rao trên mạng nên người mua khó nhận diện sách giả - thật, chỉ khi nhận hàng mới phát hiện thì đã muộn.

Cạnh đó, sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng là một môi trường tốt cho sách lậu hoạt động. Việc người kinh doanh được thoải mái mở gian hàng, sự kiểm duyệt sản phẩm lỏng lẻo, sơ sài của các sàn TMĐT chính là môi trường thuận lợi để sách giả, sách lậu đến tay người dùng.

Mạng xã hội có hàng ngàn trang kinh doanh sách online, khó phân biệt thật - giả. (Ảnh chụp màn hình) ảnh 1

Mạng xã hội có hàng ngàn trang kinh doanh sách online, khó phân biệt thật - giả. (Ảnh chụp màn hình)

Tháng 9/2020, đơn vị làm sách First News - Trí Việt đã khởi kiện Lazada vì cho phép sách lậu xuất hiện tràn lan tại các gian hàng trên sàn TMĐT này. Sau đó, Lazada đã phải gỡ bỏ 8 gian hàng bán sách lậu trên sàn. Tuy nhiên, cho đến nay, sách lậu vẫn được bán trên nhiều sàn TMĐT trong sự “bất lực” của các đơn vị làm sách.

Ngoài các ấn bản sách in, còn có hình thức phát tán sách lậu phổ biến trên mạng khác là định dạng lại dưới dạng điện tử (pdf, mp3, mp4, audio…) rồi đăng công khai, miễn phí trên các nền tảng. Gần đây còn có tình trạng vi phạm phổ biến là tóm tắt, bình luận sách và tình trạng phát sóng trực tiếp (live stream) đọc sách trên mạng xã hội. Những trang mạng xã hội đã dùng cớ “giới thiệu, đánh giá” sách để đưa quyển sách lên mạng trái phép, tiết lộ một phần hoặc toàn bộ nội dung sách, khiến người xem có thể đọc sách một cách “mì ăn liền”, mất đi văn hoá đọc chân chính.

Có thể nói, cùng với sự phát triển của mạng xã hội thì hành vi sản xuất, phát tán sách giả, sách lậu ngày càng trở nên tinh vi, khó kiểm soát hơn. Trong khi những đối tượng làm sách lậu, sách giả kiếm được nhiều lợi nhuận dưới các hình thức sai phạm, thì nhiều nhà làm sách chân chính lại điêu đứng vì bị xâm phạm quyền lợi, thất thoát doanh thu.

Chưa có giải pháp căn cơ

Các cơ quan chức năng vừa qua đã liên tục phát hiện cơ sở sản xuất sách lậu với quy mô lớn. Như mới đây, một xưởng in, gia công ở huyện Củ Chi, TP HCM đã tổ chức in 3.000 bản Kinh Trường thọ diệt tội (ghi NXB Tôn Giáo) và 9.000 bản ấn phẩm Sherlock Holmes (ghi NXB Hội Nhà văn) với tổng số hơn 10 tấn sách bán thành phẩm. Các bản in đều không có quyết định xuất bản của NXB Hội Nhà văn hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Cuối năm ngoái, lực lượng chức năng đã kiểm tra và thu giữ khoảng 100 tấn sách lậu với gần 400.000 cuốn cùng nhiều trang thiết bị phương tiện kỹ thuật in ấn. Hay vụ việc “kỉ lục” trong làng sách là gần 30 tấn sách lậu bị cơ quan chức năng phát hiện tại Hà Nội.

Theo thống kê, số lượng sách lậu, sách giả phát hiện được chiếm 0,4 - 0,5% tổng số lượng sách được in. Tuy nhiên, con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều. Cũng đã có nhiều vụ án về sách giả, sách lậu được đưa ra trước pháp luật, nhiều đối tượng làm sách giả, sách lậu đã đối diện những án phạt đích đáng, có cá nhân đã phải lĩnh án tù vì vi phạm ở mức độ nghiêm trọng.

Theo quy định tại Điều 29 Nghị định 119/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, việc tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép có thể bị xử phạt hành chính từ 20 - 30 triệu đồng, nếu thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên thì khung hình phạt tù sẽ là từ 07 năm đến 15 năm.

Tuy nhiên, dường như quy định, chế tài vẫn không đủ mạnh để chặn đứng sự phát triển của sách lậu. Nhiều đơn vị làm sách như First News - Trí Việt, Thái Hà… phải tự bỏ tiền bạc, công sức để truy tìm, phát hiện các “ổ” làm sách lậu để báo cáo cơ quan chức năng xử lý.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp. Các giải pháp của các cơ quan chính phủ, của các hội và của chính doanh nghiệp, chủ sở hữu tác phẩm, tác giả đang gặp rất nhiều khó khăn do những thách thức mới của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số với sự phát triển các hình thức truyền thông và TMĐT trên không gian mạng.

Nhiều cuộc hội thảo khoa học trong ngành xuất bản đã được tổ chức, cũng có nhiều giải pháp được đề ra, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ số để nhận diện, phòng, chống sách giả, sách lậu. Tuy nhiên, những giải pháp này cũng chỉ được triển khai ở bước đầu và mới giúp hạn chế phần nào, còn tổng quan thì vẫn chưa thực sự có một giải pháp rốt ráo, căn cơ cho thực trạng đáng lo ngại này.

Lượt xem: 5
Tác giả: Ngọc Mai
Nguồn:baophapluat.vn Sao chép liên kết