• :
  • :

Sửa đổi quy định về đất đai phải chặt chẽ, phòng ngừa việc trục lợi chính sách

Trong phiên họp sáng 4-1, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…

Đối với Luật Đầu tư công, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) nhất trí việc sửa đổi, bổ sung song cần có quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể được phân quyền trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.

Đối với dự án nhóm A của địa phương sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đa số ý kiến đề nghị chuyển thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tương tự như các dự án nhóm B, C.

Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung, làm rõ việc thực hiện quy định tại Điều 62 Luật Đất đai về thẩm quyền thu hồi đất đối với dự án PPP có tổng mức đầu tư tương đương nhóm B, C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nay được phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bảo đảm tính khả thi, tránh trường hợp phát sinh vướng mắc, có cách hiểu khác nhau sau khi thực hiện phân cấp, phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Sửa đổi quy định về đất đai phải chặt chẽ, phòng ngừa việc trục lợi chính sách ảnh 1

Quang cảnh phiên họp

Đối với Luật Đầu tư, về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương.

Về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá kỹ hơn thực tiễn thi hành Luật, làm rõ vướng mắc nào xuất phát từ quy định của Luật, vướng mắc nào do các nguyên nhân khác để đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.

Việc sửa đổi cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, khả thi, tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay; đồng thời, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi chính sách; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đề nghị làm rõ việc áp dụng quy định của dự thảo Luật đối với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đối với các loại đất khác không phải là đất ở nhưng đã gần hết thời hạn sử dụng đất.

Đối với việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất thuộc dự án đầu tư mà không phải là đất ở, để bảo đảm sự kết nối với quy định của Luật Đầu tư, quy định khác của Luật Nhà ở và pháp luật về đất đai, bảo đảm sự minh bạch về thủ tục đầu tư, đề nghị làm rõ các điều kiện mà nhà đầu tư phải đáp ứng để được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai trong quá trình nhà đầu tư thực hiện thủ tục để được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư…

Về bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm, điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng tại Luật An ninh mạng để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đề xuất bổ sung vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;

Đối với Luật Doanh nghiệp, về quy định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp Nhà nước, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, để bảo đảm chặt chẽ về tính chất của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, đề nghị quy định rõ “doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp Nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.