• :
  • :

Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Học sinh hào hứng, giáo viên chủ động

Hơn 2 triệu học sinh Hà Nội đã bước sang tuần học thứ 2 của năm học mới 2023 - 2024. Việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở các nhà trường đã nhanh chóng đi vào nề nếp.

Nề nếp ngay từ tuần học đầu tiên

Năm học 2023-2024 là năm học toàn ngành thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 1 - 4, 6 - 8, 10 và 11. Trong đó 3 khối lớp 4, 8 và 11 triển khai chương trình ở năm đầu tiên.

Đây cũng là năm học rất đặc biệt với thầy và trò trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Sau bao năm mơ ước, cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân trên địa bàn đã được thụ hưởng ngôi trường mới khang trang hiện đại.

Học sinh trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội hân hoan chào năm học mới 2023 - 2024

Học sinh trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội hân hoan chào năm học mới 2023 - 2024

Với diện tích mặt bằng 5.296m2, trường có tổng số 52 phòng học, 6 phòng chức năng phục vụ học tập. Các phòng học được trang bị đồng bộ hệ thống điều hoà và thiết bị dạy học hiện đại, thuận lợi cho việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và chuyển đổi số trong giáo dục.

Cô Bùi Thị Thu Thanh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Cơ sở vật chất hiện đại là động lực để thầy trò nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong năm học mới, năm thứ 4 triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Dù còn một số khó khăn nhưng việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cơ bản thuận lợi. Học sinh hào hứng với những giờ học, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao”.

Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ hai học sinh trường THCS Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được học tập trong ngôi trường mới với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Đây cũng là năm học đầu tiên sau khi nhà trường vinh dự đón nhận trường chuẩn quốc gia cấp độ I và đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ II.

Cô Ngô Thị Kiều Linh - Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi cho biết, ngay từ tuần học đầu tiên, việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã đi vào nề nếp. Đối với môn tích hợp, các thầy cô giáo đã tự tin giảng dạy tất cả các phân môn. Mặc dù còn một số băn khoăn khi tiếp cận với sách giáo khoa và chương trình mới nhưng nhóm giáo viên các môn Khoa học tự nhiên nhà trường sẽ quyết tâm tìm tòi, học hỏi để đáp ứng từng mục tiêu của chủ đề môn học.

Khắc phục khó khăn

Khó khăn chung của các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội là thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như tiếng Anh, Tin học và công nghệ (ở tiểu học), Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (cấp THCS), Nghệ thuật (cấp THPT). Theo thống kê sơ bộ, tính đến cuối năm học 2022-2023, các trường học ở thành phố Hà Nội thiếu khoảng 10.000 giáo viên.

Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Học sinh hào hứng, giáo viên chủ động

Học sinh đi vào nề nếp ngay từ tuần học đầu tiên

Đáng chú ý, dù đã bước sang năm thứ tư, song việc tổ chức dạy học các môn tích hợp ở cấp THPT (Môn Khoa học Tự nhiên, Môn Lịch sử và Địa lý) vẫn là một “điểm nghẽn” đối với nhiều nhà trường bởi lý do, các giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn, dù đã được tập huấn nhưng chưa thực sự tự tin và yên tâm khi dạy tích hợp.

Nhận thức rõ về trách nhiệm trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018, từng trường học thuộc ngành Giáo dục Hà Nội đều nỗ lực, chủ động tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ khó khăn với mục tiêu hạn chế sự ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học.

Giải bài toán thiếu giáo viên, ngành Giáo dục quận Thanh Xuân tiếp tục triển khai mô hình “Ngân hàng giáo viên”. Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho biết, “Ngân hàng giáo viên” là giải pháp tập hợp các giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm để các trường “dùng chung”.

Với mô hình này, giáo viên tiếng Anh của một trường có thể dạy tiếng Anh cho 2, 3 trường khác. Phòng GD&ĐT sắp xếp thời khóa biểu, trả lương cho giáo viên để bảo đảm chất lượng giảng dạy và không gây quá tải với giáo viên. Cùng với đó, nhiều trường học ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy... cũng đã triển khai mô hình trên.

Là điểm nóng của Thủ đô về tình hình gia tăng dân số, quận Hoàng Mai gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên. Mới đây, quận đã đầu tư 309 tỷ đồng hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 9 trường, gồm: Mầm non Linh Đàm, Định Công, Hoa Mai, Hoa Sữa, Tuổi Thơ và các trường THCS Đại Kim, Hoàng Văn Thụ, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam; 8 trường được đầu tư mới trang thiết bị dạy học.

Bộ mặt các cơ sở vật chất cho các trường học tại quận Hoàng Mai đang dần được thay đổi theo hướng hiện đại, khang trang. Đây là năm học mà thầy, cô giáo và các em học sinh thi đua dạy tốt, học tốt lập thành tích chào mừng 20 năm thành lập quận Hoàng Mai.

Nói về mục tiêu năm học, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên nhưng ngành giáo dục Hoàng Mai vẫn quyết tâm vượt khó, phấn đấu giữ vững danh hiệu nhóm quận huyện lá cờ đầu của ngành Giáo dục Thủ đô”.

Lượt xem: 4
Tác giả: Ngọc Minh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...