• :
  • :

Tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi người lao động

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong thực thi chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), thời gian qua, các cấp Công đoàn đã phối hợp với cơ quan BHXH tăng cường công tác tuyên truyền đi liền với thanh tra, kiểm tra… qua đó yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ của mình với người lao động.

Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, giai đoạn 2015 - 2022 trong thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, công tác phối hợp giữa hai cơ quan được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả, tập trung vào các hoạt động, như: Nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT…

Tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi người lao động
LĐLĐ quận Hoàng Mai phối hợp với báo Lao động Thủ đô tuyên truyền chính sách mới về pháp luật, BHXH tới người lao động.

Thông tin về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết: Giai đoạn 2015 - 2022, các Đoàn giám sát liên ngành do Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì, đã tích cực phối hợp với BHXH Việt Nam và các cơ quan có liên quan (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ) thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH trong doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố. Cùng đó, Công đoàn các cấp đã tích cực, chủ động, phối hợp với BHXH tại địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cùng cấp tổ chức hàng ngàn cuộc kiểm tra, giám sát về pháp luật lao động, Công đoàn, BHXH, BHTN, BHYT.

Thông qua hoạt động giám sát liên ngành đã giúp các cơ quan chức năng đánh giá rõ tình hình thực hiện pháp luật về BHXH của các doanh nghiệp, phát hiện những bất cập, chưa hợp lý của chính sách. Kết thúc mỗi đợt giám sát, Đoàn giám sát cấp Trung ương đã đưa ra trên 100 kiến nghị mỗi năm đối với các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của các địa phương để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH.

Theo ông Phan Văn Anh, từ thực tiễn hoạt động giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH tại các địa phương thời gian qua cho thấy: Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT đã đạt được những kết quả nhất định, đối tượng tham gia và số tiền thu vào Quỹ BHXH năm sau cao hơn năm trước. Quỹ BHXH được quản lý tập trung, minh bạch, bảo toàn và tăng trưởng theo đúng quy định, đảm bảo khả năng chi trả các chế độ BHXH cho người lao động và thân nhân của họ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Công tác cải cách thủ tục hành chính được coi trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần giảm thiểu thời gian và kinh phí thực hiện thủ tục BHXH, BHTN, BHYT cho doanh nghiệp và người dân…

Bên cạnh đó, qua các hoạt động tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, các Đoàn kiểm tra, giám sát còn tư vấn, giải đáp, hướng dẫn, khuyến nghị các đơn vị được thanh tra, kiểm tra, giám sát về những vấn đề liên quan đến thực hiện pháp luật. Các ý kiến, khuyến nghị, các nội dung tư vấn, hướng dẫn tập trung vào việc thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, các chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT… cho người lao động; thúc đẩy việc tuân thủ pháp luật lao động nói chung, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT nói riêng trong doanh nghiệp; nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động và kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT.

Về công tác phối hợp trong cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Điều 14 Luật BHXH 2014 quy định, tổ chức Công đoàn có quyền “Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại Khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn”. Để thực hiện quy định này, các cấp Công đoàn và cơ quan BHXH đã nỗ lực, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu, củng cố hồ sơ để khởi kiện ra Tòa án. Tuy nhiên, việc Công đoàn khởi kiện các tranh chấp lao động nói chung và tranh chấp về BHXH nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật chưa đồng bộ.

Từ năm 2019 đến nay, việc khởi kiện đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH của tổ chức Công đoàn các địa phương hầu như đã chững lại do những khó khăn về quy trình, thủ tục khởi kiện, nhân sự thực hiện việc khởi kiện. Mặt khác, việc cơ quan BHXH được bổ sung thêm chức năng thanh tra đóng BHXH, BHTN, BHYT từ năm 2016 cũng như việc bổ sung 3 tội danh về vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT vào Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nên hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT hiện được xử lý bằng nhiều biện pháp hiệu quả hơn (xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự). Do vậy, để thu hồi số tiền trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT trong các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, các cấp Công đoàn đã linh hoạt trong các giải pháp thực hiện như tăng cường giám sát, đề xuất thanh tra, kiểm tra, ra thông báo nhắc nhở… để yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ của mình với người lao động.

Bảo Duy

Lượt xem: 2
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết