Cùng chiến dịch “Pick-me Plastic” kết thúc kỳ SEA Games 31 rực rỡ
Qua hai tuần sôi động với sự diễn ra của TikTok challenge “Pick-me Plastic” và SEA Games 31, thử thách đã chính thức khép lại cùng sự thành công của kỳ Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á do chính Việt Nam đăng cai tổ chức.
Khởi động từ ngày 15/5/2022 trên nền tảng TikTok, thử thách “Pick-me Plastic” đã thu hút được sự quan tâm lớn trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đây là một thử thách được phát động bởi Dự án Giảm rác thải nhựa đại dương, với mục tiêu chính giúp góp phần lan toả những thông điệp xanh trong kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á thứ 31, góp phần giảm thiểu lượng tiêu thụ của các sản phẩm nhựa để hướng tới sự phát triển bền vững.
Thử thách “Pick-me Plastic” |
Với nội dung sáng tạo đơn giản, liên quan đến thông điệp “Tôi từ chối … (sản phẩm nhựa dùng một lần), thử thách đã nhận được rất nhiều video hưởng ứng. Tất cả những “pick-me” plastic độc đáo được người tham gia lựa chọn đều có những ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng. Nhờ vào sự chú ý mà chúng tạo ra, mức độ tiêu thụ của các sản phẩm nhựa trong các sự kiện SEA Games 31 đã không còn quá lớn như trước.
Dự án đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu nâng cao tinh thần “xanh” để thay đổi nhận thức, giảm thiểu đồ nhựa trong thể thao nói riêng và trong cuộc sống hàng ngày nói chung. Tinh thần của kỳ Đại hội thể thao lần này cũng vì thế mà đã được tổ chức theo đúng phương châm: “Vì một Đông Nam Á khỏe mạnh hơn”.
Tại kỳ SEA Games 31 năm nay, chúng ta đã gây ấn tượng được với bạn bè quốc tế về một Đại hội thể thao vừa fair-play, vừa thân thiện với môi trường. Không những vậy, nhờ vào nhiều phản hồi thú vị về lối sống “xanh” cùng sự quan tâm đến môi trường của nhiều bạn trẻ, thử thách đã mang đến một nguồn động lực mới đầy khí thể để thực hiện những hành động có ích góp phần bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Đây hứa hẹn sẽ là một bước khởi đầu mới cho cuộc hành trình nhuộm “xanh” môi trường trong tương lai. Mặc dù “Pick-me Plastic” đã kết thúc nhưng mỗi người trong số chúng ta sẽ đều tự lên kế hoạch cho chặng đua “xanh” của chính bản thân, từ đó góp phần nhằm giảm thiểu những mối nguy hại từ rác thải.