Đức Cơ (Gia Lai): Già làng Rah Lan Vọng - Cây 'đại thụ' của làng Ngo Le
Luôn nêu gương sáng, làm dân vận khéo, già làng, người có uy tín Rah Lan Vọng được người dân xem như là cây đại thụ của làng Ngo Le (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).
Làng Ngo Le có 193 hộ/ 864 nhân khẩu là đồng bào người Jrai sinh sống. Những năm qua, dân làng Ngo Le luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tăng cường đoàn kết xây dựng buôn làng giàu đẹp, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Để đạt được thành quả đó, có sự góp sức không nhỏ của già làng, người có uy tín Rah Lan Vọng (Dân tộc Jrai, sinh năm 1956, làng Ngo Le, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).
Đơn cử, vào năm 2019, con đường nội làng Ngo Le có tổng chiều dài 500m với kết cấu đường nhựa rộng 3m có cống thoát nước bằng bê tông ở những đoạn giao nhau, có mương thoát nước chạy dọc theo khu dân cư trong làng. Công trình có tổng mức đầu tư 820 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp bằng ngày công lao động hơn 20 triệu đồng, và nhiều diện tích đất hiến.
Trong quá trình khảo sát hiện trạng con đường, đơn vị thi công xác định khi thi công, một số hộ sẽ bị ảnh hưởng vì phải chặt bỏ cây cối như mít, điều, cà phê, hồ tiêu lâu năm của hơn 10 hộ gia đình. Do đó, việc chặt bỏ diện tích cây này cũng làm mất đi một phần thu nhập của bà con.
Vì vậy, già Vọng đã cùng với hệ thống chính trị làng Ngo Le tổ chức họp dân để tuyên truyền chủ trương làm đường của Nhà nước và vận động bà con sinh sống dọc tuyến đường hiến đất. Đồng thời, “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận.
Mưa dầm thấm lâu, dân làng Ngo Le đều đồng thuận góp công, góp của để con đường sớm hoàn thành, vừa giúp cải tạo cảnh quan nông thôn, vừa tạo điều kiện cho mọi người đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Ông Siu Hoan (làng Ngo Le, xã Ia Krêl) cho hay: “Thấy già Vọng hiến đất làm đường, rồi lại giải thích cho tôi hiểu các chủ trương, lợi ích làm đường giao thông nông thôn nên tôi đã hiểu. Vì vậy, tôi cùng bà con quyết định mỗi người hiến từ 5 - 10 sào đất để con đường thêm đẹp và thông thoáng, thuận lợi cho việc đi lại của bà con và chính bản thân mình”.
Công trình đường nội làng Ngo Le được thi công trong khoảng 1 tháng thì được đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của bà con. Con đường mới góp phần tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp cho làng Ngo Le, giúp bà con đi lại được thuận tiện hơn, tạo động lực phát triển kinh tế. Đây là sự thành công trong việc huy động sức dân đóng góp để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã.
Bên cạnh công tác dân vận khéo, già Vọng còn được coi là “vị quan tòa” chuyên hoà giải những mâu thuẫn, xích mích trong làng. Còn nhớ, trước đây trong làng có việc xích mích giữa bà con với các hộ là người Kinh, với đội sản xuất mủ Cao su (Công ty 75, Binh đoàn 15) về lợi ích kinh tế.
Bằng uy tín, sự hiểu biết pháp luật và hương ước của làng, già Vọng đã kiên trì giải thích cho bà con hiểu và hóa giải mâu thuẫn. Cùng với đó, già Vọng đã tham gia hòa giải được 3 vụ việc khác, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nhỏ, không để phát sinh các vụ việc phức tạp.
Theo già Vọng, để dân hiểu, dân tin thì bản thân phải “làm nhiều hơn nói”, phải nêu gương, đi đầu trong mọi việc. Đối với việc của làng, luôn đặt lợi ích của bà con, của làng lên trên khi tham gia tuyên truyền vận động, nói đúng điều dân làng mình cần nghe.
“Với đặc thù làng có đông đồng bào DTTS sinh sống, nên tôi thường nói về các vấn đề như: Chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; Xây dựng nông thôn mới; chính sách dân số, xóa đói giảm nghèo,... Đặc biệt, những việc hằng ngày như: Vận động người dân tránh xa các tệ nạn ma túy, từ bỏ các hủ tục, mê tín, dị đoan, lễ hội lãng phí.... tôi tự thấy có phần trách nhiệm của bản thân trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, để góp phần xây dựng buôn làng mình” - già Vọng chia sẻ.
Trải qua hơn 70 mùa rẫy với 31 năm tuổi Đảng, già Vọng đã luôn gắn bó, hết mình với buôn làng Ngo Le. Ghi nhận những đóng góp to lớn "cây đại thụ" của già Vọng, tỉnh Gia Lai đã tặng nhiều giấy khen cùng kỷ nệm chương.
Mới đây nhất, già còn là gương điển hình tiêu biểu tham gia trao đổi kinh nghiệm tại Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của Người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức.
Ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: "Công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi người dân đã đồng lòng, cùng góp sức thực hiện thì mọi công việc đều trôi chảy, thuận lợi. Vì vậy, vai trò của già làng, Người có uy tín Rah Lan Vọng nói riêng và đội ngũ già làng, Người có uy tín toàn tỉnh nói chung rất quan trọng".
"Họ như những cây đại thụ, là điểm tựa của bà con trong các hoạt động đời sống văn hoá xã hội. Đặc biệt, các già làng còn là cánh tay nối dài của chính quyền trong tuyên truyền chính sách, pháp luật, đi đầu trong thực hiện các chủ trương, giữ gìn bản sắc văn hoá, góp phần ổn định đời sống và an ninh thôn làng", ông Tuyến nói.