• :
  • :

Khách nước ngoài chỉ ra sai lầm lớn nhất khi du lịch Việt Nam

Một du khách Singapore đúc rút kinh nghiệm sau khi ghé thăm 9 quốc gia Đông Nam Á. Đặc biệt, ở Việt Nam, cô chủ quan không cầm tiền mặt.

Marielle Descalsota, đến từ Singapore, đã ghé thăm phần lớn các quốc gia Đông Nam Á trong hai năm qua. Cây bút của Business Insider đã mục sở thị địa đạo Củ Chi ở Việt Nam, ngắm mặt trời mọc tại Angkor Wat (Campuchia), chăm sóc voi ở Chiang Mai (Thái Lan), thăm rừng rậm Borneo ở Brunei...

Dù sinh sống ở Đông Nam Á, Marielle, trong vai một vị khách du lịch, vẫn không tránh khỏi những sai lầm khi ghé thăm các quốc gia láng giềng như không xem dự báo thời tiết mùa mưa, không mang quần áo dài khi thăm đền chùa, quên mang thuốc men cá nhân...

Không mang tiền mặt

Sai lầm lớn nhất của Marielle là quá tự tin rằng mình có thể quẹt thẻ hoặc thanh toán điện tử dù đến bất kỳ đâu. Tại Singapore, cô hiếm khi dùng tiền mặt và chủ yếu thanh toán bằng Apple Pay, thanh toán điện tử hay quẹt thẻ.

Thói quen này không thuận tiện trên đường du lịch Đông Nam Á. Ví dụ, trong chuyến du lịch Việt Nam lần thứ ba, Marielle chủ quan không mang theo tiền mặt. Cô đã mất một tiếng để tìm cách chuyển khoản tại một cửa hàng nước hoa sang trọng. Hóa đơn của Marielle hết khoảng 200 USD, nhưng phút cuối nhân viên mới thông báo rằng cửa hàng không nhận quẹt thẻ quốc tế hoặc thanh toán điện tử.

Hầu hết tiểu thương bán hàng rong ở Việt Nam chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua các ngân hàng trong nước. Thói quen tiêu tiền mặt cũng phổ biến ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Ảnh: Anh Tú

Quên thuốc cá nhân

Đông Nam Á có những nền ẩm thực giàu hương vị nhất thế giới, theo Marielle. Ở mọi quốc gia trong khu vực, du khách đều có thể tìm thấy đồ ăn rẻ và ngon, trong đó có Singapore, thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Ở những quốc gia như Malaysia và Việt Nam, đồ ăn đường phố có giá chỉ từ 1 USD.

"Tôi chủ yếu ăn đồ ăn đường phố khi đi du lịch ở Đông Nam Á, vì vậy thuốc trị các bệnh liên quan đến dạ dày là thứ bắt buộc phải mang. Tôi chỉ bị đau bụng hai lần vì ăn món đường phố - cả hai lần đều là cùng một món. Thật không may, đó là những lần tôi không mang theo thuốc", Marielle kể.

Marielle không ngại thử món mới. Cô từng ăn đủ thứ từ cá nóc hầm đến cháo ếch cho đến lòng heo... Cô lau chùi thìa, đũa và đảm bảo đồ ăn được nấu theo yêu cầu, hâm nóng trước khi phục vụ.

Du lịch vào tháng Ramadan

Một sai lầm khác của Marielle là mong đợi trải nghiệm nhịp sống bình thường tại những quốc gia Hồi giáo vào mùa Ramadan. Cô vốn quen với những phong tục truyền thống trong tháng Ramadan ở Singapore, Malaysia, và Indonesia.

Tháng Ramadan là tháng thứ 9 trong lịch Hồi giáo, thường rơi vào cuối tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Vào tháng ăn chay này, các tín đồ nhịn ăn cả một ngày dài.

Tuy nhiên, nữ du khách vẫn bỡ ngỡ khi ghé thăm Brunei vào tháng 4 - cao điểm của mùa Ramadan. Trái ngược với ở quê nhà, khi người dân và du khách không theo đạo Hồi vẫn có thể ăn uống ở nơi công cộng, tại Brunei hầu hết nhà hàng đóng cửa. Hoặc, thực khách cũng không được phép ăn uống tại nhà hàng vào ban ngày ngay cả khi các cơ sở đó đang mở. Nhà hàng chỉ bán cho khách mua mang về.