Nhận diện tranh kính nghệ thuật của người Việt
Dù tiếp nối các dòng tranh phương Tây, nhưng những nghệ nhân Việt Nam đã thổi vào sản phẩm tranh kính của mình bản sắc văn hoá Việt, tâm hồn Việt.
Dòng tranh “ba trong một”
Nói đến tranh kính, giới họa sĩ, kiến trúc sư thường nhắc tới nghệ nhân Phạm Hồng Vinh ở Sơn Tây, Hà Nội. Ông được biết đến với tư cách là người sở hữu công nghệ độc quyền, có thể biến những tấm kính thông thường thành những tác phẩm nghệ thuật phong cách hoặc những sản phẩm ứng dụng trong các lĩnh vực trang trí, đồ gia dụng, quà tặng…
Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đến với tranh kính hết sức tình cờ. Ông chia sẻ, cách đây hơn 30 năm, khởi nghiệp bằng nghề gốm sứ nhưng không thành công, ông chuyển sang nghề chế tác đá mài. Khi mài những đường nét trên kính, ông đã khám phá ra vẻ đẹp độc đáo và tiềm năng vô hạn của nó trong nghệ thuật trang trí.
Thế nhưng, để những vẻ đẹp sơ khai đó chuyển tải lên bức tranh kính lại không hề đơn giản. Không có người hướng dẫn, không có sách vở để nghiên cứu, chỉ có một cách là vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Phải qua hàng chục năm mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, đến năm 2012, ông Vinh đã thành công với thương hiệu tranh kính VinhCoba và được cấp bằng sáng chế độc quyền về quy trình sản xuất tranh kính nghệ thuật.
Tranh rồng thời Lý.
Theo ông Vinh, tranh kính có sự kết hợp độc đáo của ba yếu tố: Điêu khắc, hội họa và công nghệ. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu về độ bền vật lý, không bị biến đổi màu sắc qua thời gian, quá trình xử lý phải sử dụng màu men gốm ceramic và đưa vào lò nung ở 700 độ C. Nhờ công đoạn gia nhiệt, tấm tranh kính trở nên cứng gấp 10 lần so với kính thường.
“Hiện tôi đã đào tạo được 6 người, họ đã làm chủ hoàn toàn các công đoạn chế tác tranh kính, từ thiết kế mẫu vẽ, tạo phối cảnh; xử lý hình ảnh trên máy tính; khắc bề mặt kính bằng áp lực; mài; phun màu; nung và hoàn thiện”, ông Vinh cho biết.
Sau khi hoàn thành, tranh kính có các ưu điểm đó là độ bền rất cao, có khả năng chịu va đập, chịu nhiệt cực tốt, hình vẽ không bị bong tróc, phai màu. Về thẩm mỹ, nếu như tranh kính truyền thống bị giới hạn bởi kỹ thuật (kính ghép màu chỉ có thể tạo hình đơn giản, kính vẽ tay thì khó đạt được hiệu ứng 3D), thì tranh kính VinhCoba đã khắc phục được hoàn toàn những hạn chế này. Bề mặt kính giờ đây như một tấm toan rộng mở để người nghệ sĩ vẽ nên những tác phẩm của mình.
Đàn lợn âm dương - tranh Đông Hồ được thể hiện trên kính.
Một ưu điểm nữa của kính VinhCoba là thi công dễ dàng, ứng dụng linh hoạt. Trong khi các dòng tranh kính nghệ thuật trước đây thường yêu cầu khung đỡ chắc chắn khi thi công và chỉ phù hợp với một số không gian nhất định, thì tranh kính VinhCoba với bản chất là kính cường lực, có thể lắp đặt trên nhiều bề mặt khác nhau mà không cần nhiều gia cố. Việc dễ dàng kết hợp với các chất liệu thép, bê tông, tre, gỗ… cũng giúp tranh kính phù hợp với mọi phong cách kiến trúc, từ cổ điển đến hiện đại.
Thổi hồn Việt vào tranh
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Nguyễn Xuân Thắng - người sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu - tranh kính đã có lịch sử hàng trăm năm với những loại kính ghép màu (stained glass) rất phổ biến trong các kiến trúc nhà thờ kiểu Gothic ở châu Âu. Sang đến thế kỷ XIX, nghệ thuật vẽ tranh trên kính lan đến nhiều quốc gia châu Á. Ở Việt Nam, tranh kính xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ XIX với việc người Pháp đưa loại tranh này vào ứng dụng trong việc xây dựng các nhà thờ Thiên chúa giáo. Đến đầu thế kỷ XX, xuất hiện dòng tranh kính Nam Bộ, tranh kính Huế do người thợ ở Lái Thiêu, Gò Công, Mỹ Tho hoặc ở kinh thành Huế tạo tác. Tuy nhiên, những loại tranh này đều đã mai một từ lâu. Hiện ở Việt Nam chỉ có vài người làm tranh kính, nhưng hầu hết đều rập khuôn theo kỹ thuật của phương Tây.
Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh giới thiệu chiếc chao đèn vẽ tranh dân gian Việt Nam.
Ông Thắng đánh giá, ông Phạm Hồng Vinh là người Việt Nam đi tiên phong trong việc ứng dụng kính vào sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt, dù kế thừa một số kỹ thuật làm tranh kính của phương Tây, nhưng ông Vinh đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo để tạo cho tranh của mình một chỗ đứng độc đáo, khác biệt.
“Tranh kính màu phương Tây họ dùng kỹ thuật cắt kính thành những mảnh nhỏ rồi ghép lại bằng những nẹp chì, trong khi tranh của anh Vinh hình thành trên tấm kính phẳng hoặc kính uốn nóng. Việc tạo những đường khắc chìm nổi từ kỹ thuật phun cát và sự ăn mòn hóa học, kết hợp với vẽ màu ceramic khiến cho sản phẩm có độ săn rất đặc biệt. Đây là những đặc điểm riêng của tranh kính nghệ thuật Việt Nam”, ông Thắng nhận xét.
Còn theo ông Vinh, với một sản phẩm do người Việt chế tác, điều không thể thiếu là thổi vào đó bản sắc văn hoá Việt, tâm hồn Việt. Vì vậy, bên cạnh những đề tài tranh nhà thờ trong văn hóa phương Tây thì ông rất quan tâm đến việc đưa những mảng miếng thuần Việt vào tranh. Đó có thể là hình ảnh rồng thời Lý, hình ảnh chùa Một Cột, có thể là tranh hoa sen, tranh mặt trống đồng Đông Sơn, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống hay tranh Lý Công Uẩn dời đô…
“Tôi luôn khao khát khẳng định thương hiệu tranh kính của người Việt, muốn mang những giá trị văn hóa truyền thống lên một sản phẩm mang tính công nghệ. Để khi nhìn vào bức tranh, ai cũng có thể hình dung ngay đến đất nước, con người Việt Nam”, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết thêm, với một dòng tranh có gốc gác phương Tây thì việc cố gắng đưa vào đó các yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam là rất đáng khuyến khích. Hiện ở Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu có trưng bày một số bức tranh khổ lớn của ông Vinh, trong đó có một chiếc chiêng cỡ lớn với cách tạo hình và họa tiết mang nhiều sắc thái dân tộc. Riêng cá nhân ông rất thích sản phẩm lá sen của ông Vinh, bởi nó mang đậm bản sắc Việt nhưng trước đó chưa có ai làm cả.
“Tranh kính của anh Vinh có thể đi vào bảo tàng, có thể ứng dụng vào trang trí nội, ngoại thất. Có thể nói đây là một hướng đi đúng trong phát triển công nghiệp văn hóa, khi những nghiên cứu, sáng tạo luôn được định hướng gắn liền với việc ứng dụng trong cuộc sống”, ông Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ.
Thế Vũ