UNESCO phát trực tiếp phiên họp về Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc
Quảng Ninh - UNESCO phát trực tiếp toàn bộ các phiên họp hàng ngày, trong đó có phiên họp về Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên non thiêng Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng
Dự kiến, phiên họp xem xét việc ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc vào danh sách Di sản Thế giới sẽ diễn ra vào ngày mai (11.7.2025).
Phiên họp được truyền trực tiếp trên trang web chính thức của UNESCO tại địa chỉ: https://whc.unesco.org/en/sessions/47com
Đây là lần đầu tiên tại một kỳ họp thường niên của UNESCO, toàn bộ các phiên họp hàng ngày đều được phát trực tuyến công khai trên trang web chính thức của UNESCO.
Việc phát sóng không giới hạn số lượng người theo dõi và không yêu cầu đăng ký, cho thấy cam kết của UNESCO trong việc đảm bảo tính minh bạch và mở rộng khả năng tiếp cận thông tin cho công chúng toàn cầu.
Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới chính thức khai mạc tại trụ sở UNESCO, thủ đô Paris, Pháp khai mạc vào ngày 7.7 và kéo dài tới 16.7.2025.
Phái đoàn Việt Nam tham dự sự kiện với sự hiện diện của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Đoàn còn có đại diện từ các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các đoàn của các tỉnh có Di sản Thế giới tại Việt Nam.
Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh do ông Nguyễn Hồng Dương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Dân vận Tỉnh ủy làm trưởng đoàn; cùng sự tham gia của bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Tại kỳ họp lần này, một trong những nhiệm vụ cốt lõi của đoàn Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng là bảo vệ và vận động ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc vào danh sách Di sản Thế giới.
Việt Nam đề cử Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn Kiếp Bạc lấy trung tâm là Thiền phái Trúc Lâm - dòng Phật giáo do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ 13, có vai trò gắn kết nhiều địa điểm, sự kiện, nhân vật trong lịch sử.

Được khởi động làm hồ sơ từ năm 2012, trong khoảng 13 năm qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp với ICOMOS (đơn vị tư vấn chuyên môn của UNESCO) cùng các chuyên gia quốc tế để khảo sát và thẩm định thực địa tại Quảng Ninh, Hải Phòng (tỉnh Hải Dương cũ) và Bắc Ninh (tỉnh Bắc Giang cũ) - nơi tọa lạc quần thể di sản.
Theo hồ sơ đề cử, quần thể có tổng diện tích vùng lõi 525,75 ha, tổng diện tích vùng đệm là 4.380,19 ha. Trong đó, vùng lõi gồm 12 thành phần di sản chính, phản ánh đầy đủ các giai đoạn hình thành, lan tỏa và phục hưng của thiền phái Trúc Lâm. Vùng đệm đóng vai trò bảo vệ cảnh quan văn hóa, bảo đảm sự toàn vẹn và liên kết của quần thể, được quản lý nghiêm ngặt.
Quần thể di tích là một cảnh quan văn hóa linh thiêng được quy hoạch đồng bộ với hàng trăm chùa, đền, tháp và di vật cổ, trải rộng trên 3 tỉnh, thành, gắn kết thành một thể thống nhất cả về không gian và tâm linh.
Đây là một hồ sơ đề cử liên tỉnh của Việt Nam, mang ý nghĩa đặc biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử, đã tồn tại hơn 700 năm và trở thành một di sản văn hóa sống.
Nét độc đáo của Phật giáo Trúc Lâm là thiền phái Phật giáo duy nhất trên thế giới được sáng lập bởi một vị vua. Trúc Lâm dung hòa tư tưởng Phật giáo Đại thừa với Nho giáo, Đạo giáo, truyền thống văn hóa Việt và tín ngưỡng bản địa, tạo nên một bản sắc tinh thần và triết học độc đáo, thể hiện sự giao thoa hiếm có giữa tôn giáo, quản trị và văn hóa, đề cao các giá trị hòa bình, hòa hợp và hòa giải.
Ảnh hưởng của Trúc Lâm vượt khỏi phạm vi quốc gia, lan tỏa trong khu vực và toàn cầu. Hiện nay, Phật giáo Trúc Lâm có hơn 30 triệu tín đồ, 50.000 tăng ni và 15.000 ngôi chùa tại hơn 30 quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Nhật Bản và nhiều nước khác. Tại Pháp, nổi bật có chùa Trúc Lâm Paris và tại Mỹ có giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa bình.