• :
  • :

Vẻ đẹp Việt choáng ngợp và bi tráng ở “Cánh đồng hoang”

Ra mắt năm 1979, đến nay đã 45 năm, “Cánh đồng hoang” vẫn là một trong những bộ phim xuất sắc nhất về đề tài chiến tranh của điện ảnh Việt Nam.

Vẻ đẹp Việt choáng ngợp và bi tráng ở “Cánh đồng hoang”

Cảnh trong phim "Cánh đồng hoang". Ảnh: Tư liệu

Cánh đồng hoang” hội tụ những “nhân sự” xuất sắc bậc nhất, đạo diễn Hồng Sến, biên kịch là nhà văn Nguyễn Quang Sáng, diễn xuất có Lâm Tới, Thúy An, phần âm nhạc do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đảm trách... “Cánh đồng hoang” là phim Việt hiếm hoi thời ấy đoạt giải cao nhất ở một liên hoan phim quốc tế, phim đoạt Giải Đặc biệt của Liên đoàn báo chí Điện ảnh Quốc tế tại LHP Quốc tế Moskva năm 1980, đoạt Huy chương Vàng - Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1981.

Cánh đồng hoang” được đạo diễn Hồng Sến thực hiện trên nền bối cảnh cánh đồng vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra cuộc đấu tranh Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Vợ chồng Ba Đô và con nhỏ sống trong một căn chòi giữa cánh đồng mênh mang nước. Họ được giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Bộ phim được khen ngợi về cách kể chuyện vừa chân thực, gần gũi vừa khốc liệt, đau thương trong cuộc chiến vốn không cân sức giữa một gia đình nhỏ với quân địch được trang bị vũ khí tối tân.

“Cánh đồng hoang” kể chuyện bằng 3 chiều không gian, trên cánh đồng, dưới mặt nước và trên bầu trời. Cuộc chiến đấu kiên cường của Ba Đô và vợ được thể hiện chân thực, gần gũi, nhưng cũng đầy lãng mạn đã tạo nên những thước phim kinh điển vừa nên thơ, vừa bi tráng.

“Cánh đồng hoang” tạo ra những thế đối lập kịch tính cho một cuộc chiến không cân sức, sự đối lập giữa 2 mặt trận trên bầu trời và dưới mặt nước, sự đối lập giữa một lực lượng được trang bị vũ khí tối tân và phía bên kia chỉ có gia đình 2 vợ chồng có con nhỏ, sự đối lập giữa sức càn quét, quần thảo ráo riết và một bên chiến đấu trong lặng lẽ, ngoan cường, sự đối lập còn thể hiện giữa tiếng trực thăng và tiếng trẻ thơ khóc – đó là sự đối lập về mục đích tham chiến giữa 2 bên, một bên phô trương vũ khí tối tân để càn quét, một bên chỉ đơn giản muốn bảo vệ gia đình, quê hương, đất nước...

Giữa bối cảnh của những sự đối lập ấy, giữa 3 chiều không gian của cuộc chiến khốc liệt là hình ảnh xinh đẹp, nữ tính và tảo tần của Sáu Xoa – vợ Ba Đô trên cánh đồng hoang.

Hình ảnh của Sáu Xoa mang tính biểu tượng với những bước ngoặt thay đổi lớn về mặt cảm xúc, suy nghĩ, hành động từ khi bộ phim bắt đầu đến khi kết thúc.

Những góc máy đặc tả vẻ đẹp của Sáu Xoa - vợ Ba Đô. Ảnh: Tư liệu

Những góc máy đặc tả vẻ đẹp của Sáu Xoa - vợ Ba Đô. Ảnh: Tư liệu

Sáu Xoa với diễn xuất của Thúy An có nhiều góc máy đặc tả vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính nhưng nổi bật đến lộng lẫy giữa bối cảnh cánh đồng mênh mông nước. Thúy An được chọn vào vai diễn này bởi nhan sắc hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của phụ nữ miền Tây Nam Bộ.

Ở những cảnh đầu phim, Sáu Xoa xinh đẹp, nụ cười tỏa sáng khi làm vợ, làm mẹ. Tình yêu giữa Sáu Xoa và Ba Đô được thể hiện nhẹ nhàng, dung dị nhưng đầy cảm xúc. Cách họ lo lắng cho nhau, bảo vệ nhau, dõi theo nhau trên cánh đồng, trước sức quần thảo của trực thăng địch, cách họ nhìn nhau, hướng về nhau... khiến mỗi thước phim đều đẹp và bi tráng.

Cảm xúc, suy nghĩ, hành động của Sáu Xoa gắn liền với chồng con. Người vợ dịu dàng, người mẹ tảo tần đã có những bước ngoặt lớn về tâm lý khi Ba Đô hy sinh. Từ người phụ nữ dịu dàng, yêu hoa ở đầu phim, Sáu Xoa đã trở thành người phụ nữ cầm súng ở cuối phim.

Sáu Xoa là nhân vật biểu tượng của thế hệ những người phụ nữ đã bị đẩy vào cuộc chiến, họ nghĩ về hạnh phúc bình dị và giản đơn, nhưng cuộc chiến đã buộc họ phải cầm súng, chiến đấu vì gia đình, vì những người thân yêu đã nằm lại.

Vẻ đẹp của Thúy An trong nhân vật Sáu Xoa đã đại diện cho vẻ đẹp của cả một thế hệ phụ nữ Việt trong cuộc chiến.

Nhân vật Sáu Xoa đã có những thay đổi lớn về cảm xúc, tâm lý và hành động ở Cánh đồng hoang. Ảnh: Tư liệu

Nhân vật Sáu Xoa đã có những thay đổi lớn về cảm xúc, tâm lý và hành động ở Cánh đồng hoang. Ảnh: Tư liệu

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm viết, “Cánh đồng hoang đã thể hiện được vẻ đẹp gần như hoàn hảo từ biên kịch đến đạo diễn, từ quay phim đến âm nhạc, và đặc biệt nhất là diễn xuất với hai ngôi sao điện ảnh một thời: Lâm Tới và Thúy An.

Họ đại diện cho một thế hệ những người làm phim đẹp nhất của điện ảnh Việt”.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...