Vịnh Hạ Long - Di sản đầu tiên của cả nước được đánh giá sức tải
Tính trung bình sức tải của vịnh Hạ Long không phải ở mức cao nhưng thường xuyên có tình trạng quá tải một số điểm du lịch như Động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó đá, hòn Gà Chọi...
Tỉnh Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên trong cả nước mời chuyên gia nước ngoài đánh giá sức tải của Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long để có kế hoạch quản trị du lịch di sản bền vững. Đây là bước đi mới, tiệm cận cách quản lý khoa học, kiểm soát những tác động tiêu cực của con người nhất và cũng là cam kết của Quảng Ninh trong việc phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn di sản đúng như tinh thần của Công ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới, ra đời cách đây tròn nửa thế kỷ tại Paris vào năm 1972.
Vịnh Hạ Long, Di sản đã tồn tại hàng triệu năm, 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và 2000. Với những giá trị cảnh quan đặc sắc riêng có, vịnh Hạ Long là điểm nhấn của ngành du lịch, một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế Quảng Ninh.
Vịnh Hạ Long - Di sản đầu tiên của cả nước được đánh giá sức tải, để có giải pháp căn cơ trong công tác quản lý sau này |
Hàng năm, vịnh Hạ Long đón hơn 4 triệu lượt khách, đóng góp 1/3 vào doanh thu du lịch của địa phương. Sự phát triển này cũng khiến vịnh Hạ Long đối mặt với những tác động tiêu cực phát sinh từ hoạt động phát triển công nghiệp, khai khoáng, đô thị hóa, dịch vụ và du lịch...
PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Vịnh Hạ Long nhìn thấy rõ nhất là vấn đề nước thải sinh hoạt. Chúng ta mới xử lý có 38% trong tổng số hơn 60.000 m3 nước thải sinh hoạt hàng ngày đổ ra với khoảng 12% lượng nước thải trên bờ, thì phần lớn xả thải ra vịnh. Môi trường nước hiện nay liên thông với nhau nên việc ô nhiễm ở hải lưu dọc bờ có thể di chuyển vào vùng lõi. Đây là vấn đề cần quan tâm khi ta phát triển bền vững".
Tính trung bình sức tải của vịnh Hạ Long không phải ở mức cao nhưng thường xuyên có tình trạng quá tải một số điểm du lịch như Động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó đá, hòn Gà Chọi.... |
Trước thực tế này, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã mời các chuyên gia từ Tập đoàn tư vấn Kiran - một đơn vị đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích, tính toán, đánh giá sức tải tại các khu di sản, trung tâm thương mại, các điểm du lịch lớn trên thế giới để khảo sát, xây dựng đề án nhìn nhận lại sức tải của vịnh Hạ Long, giúp các nhà quản lý có những điều chỉnh phù hợp, phát triển du lịch bền vững trong tương lai.
Từ các nghiên cứu cho thấy, tính trung bình sức tải của vịnh Hạ Long không phải ở mức cao nhưng thường xuyên có tình trạng quá tải một số điểm du lịch như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó đá, hòn Gà Chọi... với 2.000 khách trong 1 giờ. Điều này, không chỉ gây áp lực lên điểm đến, gia tăng rác thải và mang lại sự không hài lòng của du khách, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững, lâu dài.
Hàng năm, Vịnh Hạ Long đón hơn 4 triệu lượt khách, đóp góp 1/3 doanh thu du lịch của Quảng Ninh |
TS. Celal Kaplan, Tập đoàn tư vấn Kiran (Hoa Kỳ) mong muốn: "Điều quan trọng nhất là cần phải có những thay đổi về mặt chính sách. Công tác quản lý cần phải mang tính tập trung hơn để có thể đưa ra những giải pháp thực thi tối ưu. Ngoài ra cũng phải có những giải pháp về mặt công nghệ, cần phải có các nền tảng tích hợp trực tuyến để quản lý tốt hơn lưu lượng khách tới vịnh Hạ Long. Trước mắt, chúng tôi đề xuất phải điều phối lượng khách tới các điểm tham quan, các hang động trên vịnh Hạ Long, tránh tình trạng quá tải khách vừa gây tổn thương cho di sản mà lại khiến du khách có trải nghiệm tồi tệ".
Với giá trị cảnh quan riêng có, Vịnh Hạ Long đã 2 lần được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới |
Tìm ra những điểm nghẽn, các chuyên gia đề xuất 5 nhóm giải pháp gồm: Phát triển hệ thống quản lý lịch trình tàu du lịch; Tổ chức thời gian đến các điểm tham quan, phân vùng các khu vực trên vịnh, phát triển hệ thống cảng biển, áp dụng mức trần giới hạn số lượng tàu thuyền trên vịnh Hạ Long; Áp dụng việc quản lý du lịch thông minh và tuyên truyền nâng cao nhận thức của du khách về việc bảo vệ môi trường di sản…; Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, thỏa mãn nhu cầu của du khách và đảm bảo hài hòa lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam cho biết không có công thức chuẩn để quản lý các di sản, mà mỗi di sản cần có chiến lược và cách quản lý riêng phù hợp với từng địa phương. Việc đánh giá sức tải sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các bên liên quan như doanh nghiệp, người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản chung.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long. - Ảnh: VOV |
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long trả lời phỏng vấn của VOV .
Ông Christian Manhart nói: "Ở Việt Nam, đây là di sản đầu tiên được tiến hành đánh giá sức tải. Tôi cho rằng các bạn nên là một điển hình để các địa phương khác quản lý di sản trên khắp Việt Nam học tập. Tôi cho rằng chúng ta cần theo đuổi những cách tiếp cận bền vững hơn để phát triển du lịch tại di sản thiên nhiên thế giới. Chúng ta nên hạn chế du lịch đại trà và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động du lịch bảo vệ môi trường."
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long cho rằng còn nhiều việc phải làm để có thể quản lý di sản một cách khoa học. Tuy nhiên, khi có những đánh giá căn cơ sẽ giúp hệ thống quản lý đưa ra các giải pháp, kế hoạch hành động phù hợp với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hội nhập với thế giới về phát triển bền vững.
Ông Huỳnh nói: "Chúng tôi sẽ xây dựng một số kết quả đầu ra của chiến lược này. Đây là cơ sở, căn cứ, là định hướng để chúng tôi xây dựng chiến lược điều tiết được lượng khách, đến các điểm tham quan, các hoạt động tham quan và xây dựng được những kịch bản để ứng phó, triển khai các chiến lược về du lịch bền vững kể cả quy hoạch, xây dựng hạ tầng phù hợp, có cơ chế quản lý giám sát, thực hiện đúng NQ 44 của UNSECO."
Việc thuê các chuyên gia tư vấn nước ngoài đánh giá sức tải của di sản vịnh Hạ Long là cách nhìn nhận thẳng thắn, toàn diện và là bước tiến để hoàn thiện hơn về cơ sở khoa học và thực tiễn, phục vụ công tác quản lý bảo tồn di sản và khai thác, phát triển văn hóa, du lịch bền vững nhất là khi Quảng Ninh đang thực hiện chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh, lấy du lịch là động lực, là lĩnh vực chính cho sự phát triển trong tương lai