• :
  • :

Vịnh Hạ Long và loạt cảnh đẹp Việt Nam trên phim Mỹ

Ngoài Vịnh Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình... trở thành bối cảnh xuất hiện trên nhiều phim Mỹ.

Vịnh Hạ Long và loạt cảnh đẹp Việt Nam trên phim Mỹ

Vịnh Hạ Long xuất hiện ấn tượng trong phim "Kong: Skull Island". Ảnh: Nhà sản xuất

The Creator (2023)

Bộ phim "The Creator" khai thác về chủ đề trí tuệ nhân tạo đang ra rạp với nhiều phân cảnh được quay tại Vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới hai lần.

Ê kíp của đoàn phim "The Creator" di chuyển hơn 16.000 km đến 80 địa điểm khác nhau ở 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam, để ghi hình.

Các nhà làm phim tưởng tượng trực quan về địa điểm này sẽ ra sao sau 30 hoặc 40 năm nữa (câu chuyện phim diễn ra trong tương lai) và tái hiện điều đó trên màn ảnh. Những cánh đồng lúa, ruộng bậc thang và núi đá vôi tuyệt đẹp ở Vịnh Hạ Long xuất hiện trong phim vô cùng ấn tượng.

Bộ phim có vốn đầu tư là 80 triệu USD. Sau nhiều ngày công chiếu, bộ phim nhận về phản hồi tích cực từ khán giả.

Vịnh Hạ Long trong phim. Ảnh: Chụp màn hình

Vịnh Hạ Long trong phim "The Creator". Ảnh: Chụp màn hình

Kong: Skull Island (2017)

Vịnh Hạ Long, Tràng An, Quảng Bình đã xuất hiện trong bộ phim "Kong: Skull Island".

Tại Quảng Bình, phim sử dụng 3 bối cảnh nằm trong khu Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ấn tượng nhất là cảnh quay tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa - nơi có hang Tú Làn, hang Chuột có cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp.

Ninh Bình được New York Times miêu tả lộng lẫy và hoang sơ trong nhiều phân cảnh của "Kong: Skull Island". Vịnh Hạ Long hùng vĩ ngay từ những phân cảnh đầu tiên của phim.

Bộ phim có kinh phí sản xuất 185 triệu USD. Bộ phim được công chiếu lần đầu tại Anh vào ngày 28.2.2017 và nhiều nước trên thế giới thời gian sau đó.

Theo trang Box Office Mojo, đến ngày 24.3.2017, "Kong: Skull Island" thu về 268 triệu USD trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, tác phẩm có doanh thu vượt trội ở thị trường Đông Nam Á, thu 150 tỉ đồng (tương đương 6,5 triệu USD) sau ba tuần công chiếu.

Việt Nam thu hút nhiều đoàn làm phim quốc tế. Ảnh: Nhà sản xuất

Việt Nam thu hút nhiều đoàn làm phim quốc tế. Ảnh: Nhà sản xuất

Pan (2015)

Bộ phim của đạo diễn Joe Wright gây ấn tượng bởi kỹ xảo hình ảnh. Trong phim có một số cảnh quay được thực hiện tại Hang Én, Vịnh Hạ Long và Ninh Bình.

Đặc biệt, khung cảnh ở lối vào và bên trong Hang Én được sử dụng trong một phân cảnh khá dài, quan trọng và hấp dẫn của bộ phim.

"Pan" là phiên bản điện ảnh kể về nhân vật cổ tích nổi tiếng Peter Pan. Qua thời gian, cậu bé biết bay và không chịu lớn trở thành nhân vật yêu thích của nhiều thế hệ độc giả trên toàn thế giới.

Bộ phim được đầu tư kinh phí sản xuất 150 triệu USD, chưa kể chi phí quảng cáo. Sau 3 ngày công chiếu, bộ phim đạt doanh thu khiêm tốn với 15,5 triệu USD.

Ba điểm đến tại Việt Nam xuất hiện trong phim (từ trên xuống) - Hang Én, Vịnh Hạ Long và Ninh Bình. Ảnh: Nhà sản xuất

Ba điểm đến tại Việt Nam xuất hiện trong phim (từ trên xuống) - Hang Én, Vịnh Hạ Long và Ninh Bình. Ảnh: Nhà sản xuất

The Quiet American (2002)

The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng) lấy bối cảnh chủ yếu ở Sài Gòn (Việt Nam) và Rome (Ý).

Bộ phim dẫn người xem theo chân phóng viên chiến trường Thomas Fowler (Michael Caine thủ vai) khám phá những bí mật chính trị của các nước đế quốc đối với Việt Nam.

Vẻ đẹp trầm mặc của Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước được tái hiện qua các chi tiết: ánh đèn lồng tại các quán trà, những chiếc xích lô cũ, những phố xá thênh thang...

Bộ phim có kinh phí đầu tư 30 triệu USD và thu về 27,6 triệu USD.

Một cảnh quay ở thành phố Hồ Chí Minh trong phim “Người Mỹ trầm lặng“. Ảnh: Nhà sản xuất

Một cảnh quay ở Sài Gòn trong phim “Người Mỹ trầm lặng“. Ảnh: Nhà sản xuất

"Người Mỹ trầm lặng" cho đến nay vẫn là một trong những bộ phim chuyển thể đặc sắc về chiến tranh Việt Nam.

Sau bộ phim, đạo diễn Phillip Noyce nhiều lần trở lại và bày tỏ tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam.

Năm 2020, tại Hội thảo Bối cảnh quay phim tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho rằng, Việt Nam có thể trở thành điểm đến của những bộ phim nổi tiếng với những bối cảnh quay phim đặc sắc.

Vì vậy, trong Luật Điện ảnh sửa đổi có những điều khoản liên quan đến việc tạo ưu đãi cho những doanh nghiệp, các nhà sản xuất phim nước ngoài đến thực hiện sản xuất phim, thực hiện các bối cảnh quay tại Việt Nam, nhằm thu hút nhiều hơn nữa những đoàn làm phim quốc tế đến với Việt Nam.

Với lợi thế thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm đến, trở thành phim trường của các đoàn làm phim trên thế giới.

Lượt xem: 25
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết