• :
  • :

Xòe Thái - Biểu tượng văn hóa của vùng Tây Bắc

Ngày 24.9, tại Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) vinh dự là nơi tổ chức Lễ đón nhận ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mường Lò được coi là đất Tổ của người Thái ở Tây Bắc. Bởi thế, đồng bào cũng quan niệm đây là nơi sản sinh ra các điệu xòe cổ, là ngọn nguồn của những vòng xòe và tinh thần của người Thái.

Xòe Thái - Biểu tượng văn hóa của vùng Tây Bắc

Xòe từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần, nét văn hóa đặc sắc của đông bào Thái Tây Bắc. Ảnh: K.L

Món ăn tinh thần của dân tộc Thái Tây Bắc

Xòe được dịch ra theo tiếng Thái ghi trong cuốn “Quam tố mương” (tức Chuyện bản mường) có nghĩa là “xe”, xòe cổ là “xe cáu ké” - chỉ một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể của đồng bào Thái. Có thể nói, những động tác mềm mại, uyển chuyển của nghệ thuật xòe Thái từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần và là vũ điệu gắn kết cộng đồng người Thái ở Tây Bắc.

Những ngày này, cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc ai cũng phấn khởi bởi ngày 24.9 tới đây, tại mảnh đất Mường Lò, Yên Bái sẽ diễn ra lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Lường Văn Chụa (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), người đã dành cả cuộc đời mình cho việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng những điệu xòe của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ông Chụa cho biết, những điệu xòe đã gắn liền với cuộc sống của người Thái từ xưa đến nay.

Theo ông Chụa, theo quan niệm của người xưa, trống, chiêng, khèn bè gắn liền với mẹ đất, mẹ nước, mẹ cây và mẹ đẻ, nơi mình sinh ra và lớn lên. Cũng theo nhiều đồng bào dân tộc Thái nơi đây, khi đặt chân đến vùng núi Tây Bắc, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, sống quần tụ trong các bản làng ở vùng lòng chảo và ven sông, suối.

Mỗi khi chinh phục được thiên nhiên, chiến thắng thú dữ, hoàn thành một công việc trọng đại, mọi người lại nắm tay nhau ăn mừng quanh đống lửa, không phân biệt già trẻ, gái, trai. Lâu dần, những động tác tưởng chừng như vô thức lại được nâng lên cả động tác lẫn ý thức và hình thành nên những điệu xòe. Vì thế có thể nói, những điệu xòe chính là mô phỏng những hoạt động lao động sản xuất và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Thái.

Người Thái quan niệm không xòe không vui, không xòe lúa không tốt, không xòe trai gái không thành đôi. Chính vì thế, trong bất cứ hội vui nào, những vòng xòe đều được rộng mở. Xòe Thái có nhiều điệu, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ 6 điệu xòe cổ, bao gồm: “Khắm khen” (Nắm tay), “Nhôm khăn” (Tung khăn), “Đổn hôn” (Bước tiến lùi), “Phá xí” (Bổ bốn), “Khắm khăn mơi lảu” (Nâng khăn mời rượu) và “Ỏm lọm tốp mư” (Đi vòng tròn vỗ tay). Khi thực hiện các điệu xòe cổ này thì người thiếu nữ Thái sẽ phải mang trang phục truyền thống gồm: Váy, áo cóm, khăn Piêu.

Hướng về Lễ vinh danh nghệ thuật Xòe Thái

Với người dân Mường Lò nói riêng, Yên Bái nói chung, nghệ thuật xòe Thái đã là một di sản văn hóa phi vật thể rất độc đáo, phản ánh quá trình lịch sử của tộc người rất rõ nét. Mỗi động tác, mỗi dáng đi, dáng đứng, mỗi bước nhún chân, mỗi kiểu vung tay đều mang những ý nghĩa riêng của nó gắn với lịch sử di cư, cư trú, xã hội, canh tác của người Thái. 

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến chia sẻ: “Nghệ thuật Xòe Thái đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của cộng đồng. Hình thức nghệ thuật này không chỉ phục vụ các hoạt động xã hội mà đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Mường Lò nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung”. 

Mỗi điệu xòe, mỗi động tác xòe đều thể hiện những quan niệm của cộng đồng về thế giới quan, nhân sinh quan; thể hiện những cách ứng xử đẹp của con người với con người, con người với thiên nhiên, tình đoàn kết trong cộng đồng, sự hiếu khách với bạn bè bốn phương. Đặc biệt, những điệu xòe cổ tồn tại và phát triển xuyên suốt trong lịch sử, được ghi chép thành văn bản đã thể hiện sức sống lâu bền của một nền văn hóa độc đáo, lâu đời. 

Do đó, di sản nghệ thuật múa xòe cổ là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa - xã hội, phong tục tập quán, kinh tế truyền thống của đồng bào Thái vùng Mường Lò nói riêng cũng như người Thái Tây Bắc Việt Nam nói chung. Di sản văn hóa phi vật thể xòe thể hiện trình độ nghệ thuật và óc sáng tạo cao của người Thái Mường Lò. Bởi, nó không sao chép hiện thực mà nó dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền tải hiện thực.

Ngày 24.9 tới đây, tại Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ vinh dự là nơi tổ chức Lễ đón nhận ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Tại đây, đồng bào Thái tại các tỉnh Tây Bắc sẽ về tề tựu để cùng nhau hòa mình trong những điệu xòe, vui trong điệu múa, say trong men nồng với sự tham gia của hơn 3.000 diễn viên chuyên và không chuyên, cùng với 2.022 người sẽ tham gia màn xòe, hứa hẹn sẽ tạo một buổi lễ đón nhận thành công, tràn ngập niềm vui, hạnh phúc.

Trao đổi với PV, bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái (Trưởng Ban tổ chức buổi lễ) chia sẻ: “UBND tỉnh đã lên các kế hoạch, phương án chuẩn bị cho buổi lễ vinh danh từ lâu. Hiện các khâu cuối cùng đều được các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm hướng đến một buổi lễ thành công”.

Lượt xem: 41
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết