• :
  • :

Bàn giải pháp gia tăng giá trị xuất khẩu gạo và rau quả

Gạo và rau quả là 2 mặt hàng đang có sự gia tăng mạnh mẽ về giá trị xuất khẩu (XK) trong năm 2023 và đầu năm 2024. Giữ vững lợi thế và gia tăng giá trị XK cho 2 mặt hàng này trong nửa cuối năm là vấn đề mà Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đặt ra trong cuộc họp giữa liên Bộ với các hiệp hội ngành hàng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ Công Thương (lần lượt thứ 2 và thứ 3 từ trái qua) tại cuộc họp. (Ảnh: PV).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ Công Thương (lần lượt thứ 2 và thứ 3 từ trái qua) tại cuộc họp. (Ảnh: PV).

Nhu cầu thế giới ngày càng tăng

Các báo cáo đầu năm cho thấy giá trị XK mặt hàng gạo và rau củ đều tăng trưởng 2 con số. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng cao; nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước. Điều này sẽ tác động mạnh đến hoạt động thương mại gạo và rau quả của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, từ số liệu XK rau quả 4 tháng, thông qua xúc tiến thương mại tại châu Âu, Mỹ, tình hình các doanh nghiệp (DN) thì hoạt động XK mặt hàng này tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, đặc biệt là sầu riêng, dưa hấu, xoài.

Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, như vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý. Bên cạnh đó, theo ông Bình còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là xảy ra nghiêm trọng ở vùng nguyên liệu. “Nhiều DN thuộc hiệp hội gặp khó khăn trong năm 2023 khi bị lỗ, vì hợp đồng đã ký kết rồi phải xuất hàng đi. Trong khi đó, dù đã mua, đặt hàng với các nông hộ nhưng khi giá tăng gấp đôi các hộ sẵn sàng bỏ và DN phải chấp nhận mua với giá thị trường, dẫn tới tình trạng bị lỗ nặng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được” - ông Bình nói.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Hiệp hội này, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm về mặt chất lượng liên quan đến khâu sản xuất (từ vật tư đầu vào, chế biến, bảo quản, thực hiện mã số vùng trồng, đóng gói) làm chưa tốt, nên vẫn xảy ra vi phạm. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt các sản phẩm thu hoạch, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tranh bán. Việc cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả; đẩy mạnh đàm phán XK chính ngạch với bơ, dừa tươi… nâng cao giá trị XK cho rau quả.

Cần liên kết nâng cao giá trị xuất khẩu

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, hiện Việt Nam mới đang XK một sản phẩm của DN chứ không phải XK sản phẩm của một ngành hàng. Việc liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của DN Việt. Điều này thể hiện rất rõ ở các hội chợ quốc tế, bởi trong khi Trung Quốc trưng bày cả một không gian thì lại có những DN của Việt Nam thuê riêng một góc ngoài chứ không đi chung với Hiệp hội hay Bộ, ngành.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Cần phải nhấn mạnh việc chúng ta XK gạo Việt Nam là nói đến hình ảnh gạo Việt Nam, hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo Trung An, hay một DN gạo nào khác. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể lớn lên được”.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đặt vấn đề Hiệp hội đã làm hết vai trò của Hiệp hội chưa? Hiệp hội phải là người kết nối các DN. “Rõ ràng, cần phải thay đổi hoàn toàn tư duy, cách làm việc của Hội và Hiệp hội. Khi và chỉ khi DN, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác, khi đó, mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế” - ông Hoan nói.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nêu thế khó của Hiệp hội trong xử lý các vấn đề như việc DN nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp XK gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá. Theo đó, trong số 157 đầu mối XK gạo, chỉ 70 DN thuộc hiệp hội, nên khó chỉ đạo. Trong các quy định thì cũng không có biện pháp nào để chế tài. Do vậy, chỉ có Bộ Công Thương mới có thể xử lý được và ông Nam đề xuất áp dụng giá sàn trong XK gạo.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để nâng cao vị thế nông sản Việt Nam nói chung, các mặt hàng gạo và rau quả nói riêng cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò ảnh hưởng của Hiệp hội, ngành hàng với các DN thành viên. Đồng thời cần có cơ chế khuyến khích và quy ước chặt chẽ, rõ ràng để ràng buộc trách nhiệm của các DN thành viên trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật và xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho mình, cho cộng đồng và cho đất nước. Trong trường hợp vi phạm, Hiệp hội cũng cần phải lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Lượt xem: 2
Tác giả: Nhật Thu