• :
  • :

Bất động sản du lịch không dễ phục hồi nhanh chóng

Phân khúc bất động sản du lịch gặp khó vì niềm tin của khách hàng chưa quay trở lại.

Bất động sản du lịch không dễ phục hồi nhanh chóng

Bất động sản nghỉ dưỡng cần nhiều hỗ trợ cho việc hồi sinh. Ảnh: NVL

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang trong trạng thái "chợ chiều". Theo báo cáo thị trường của DKRA Group, trong quý I/2024 cho thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang ghi nhận nguồn cung ở mức thấp so với cùng kỳ và tập trung chủ yếu ở những dự án cũ. Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định và không có nhiều biến động.

Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp ghi nhận giảm xấp xỉ 5% khi chỉ có 9 dự án mở bán, cung ứng ra thị trường 234 căn. Thị trường gần như mất thanh khoản, không phát sinh giao dịch trong quý. Mặt bằng giá sơ cấp không biến động so với cùng kỳ năm trước và vẫn neo ở mức cao. Tuy nhiên, các chính sách chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất… vẫn tiếp tục được áp dụng rộng rãi nhằm tăng thanh khoản nhưng hiệu quả mang lại khá thấp.

Ở phân khúc nhà phố hay shophouse nghỉ dưỡng, thị trường cũng không ghi nhận phát sinh giao dịch mới. Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định và không có nhiều biến động so với cùng kỳ, mức giá chào bán hiện tại dao động từ 7,1 - 16,3 tỉ đồng/căn. Thị trường thứ cấp tiếp tục ảm đạm, không ghi nhận phát sinh giao dịch.

Riêng phân khúc condotel trong quý I/2024 ghi nhận nguồn cung sơ cấp tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, đến từ 8 dự án mở bán với tổng cộng 677 căn. Tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng tiếp tục là những địa phương dẫn dắt thị trường khi chiếm đến 93% tổng nguồn cung sơ cấp trong quý. Tuy nhiên, sức cầu thị trường vẫn ở mức thấp, thanh khoản chững lại và không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý.

DKRA Group dự báo, sang quý II/2024, nguồn cung mới của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng khả năng tiếp tục vắng bóng do các chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc triển khai bán hàng. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định và không có biến động nhiều so với quý trước. Các chính sách hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, giãn tiến độ thanh toán… vẫn tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng.

Dù đã có Nghị định 10/2023/NĐ-CP, nhưng trên thực tế trong luật vẫn chưa quy định điều kiện chi tiết về vấn đề sở hữu, công năng, thiết kế, diện tích, trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư, nghĩa vụ tài chính và các vấn đề liên quan khác để được cấp chứng nhận quyền sở hữu… do đó sẽ rất khó để cấp giấy chứng nhận. Đó cũng là lý do mà không ít địa phương vẫn lúng túng trong việc cấp giấy chứng nhận cho người mua bất động sản du lịch.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết hiện tại, cả nước có hơn 200 dự án bất động sản du lịch đã được triển khai, tạo ra gần 100.000 căn condotel, 3.000 căn villa biệt thự, 15.000 căn khách sạn mới… Rất nhiều trong số bất động sản này đều đang trong tình trạng tồn kho với nhiều nguyên nhân.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group, cho biết sức cầu thị trường xuống rất thấp, niềm tin của khách hàng chưa quay trở lại. Nhiều nhà đầu tư còn quay lưng với thị trường do lo ngại pháp lý và hiệu quả khai thác kém, khó thu được lợi nhuận. Dù ngành du lịch đã dần khởi sắc, nhiều dự án không đảm bảo tiến độ, thậm chí bỏ hoang do thiếu vốn khiến tình cảnh "đóng băng" dự báo kéo dài.

TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư DGCapital - cho rằng, nhà đầu tư quay lưng với thị trường vì câu chuyện chính sách cam kết lợi nhuận hay chia sẻ lợi nhuận từng trở thành điểm yếu gây ra nhiều vụ đổ vỡ khi chủ đầu tư không thực hiện được cam kết với khách hàng, khiến nhà đầu tư quay lưng với thị trường. Và nếu không có sự thay đổi về chiến lược kinh doanh, phân khúc nghỉ dưỡng sẽ dễ rơi vào bế tắc vì khách hàng đã mất niềm tin vào năng lực xây dựng, vận hành và cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết