• :
  • :

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 29/9: Giá xăng dầu bán lẻ tiếp tục giảm sâu?

Lĩnh vực năng lượng, cụ thể là giá điện, giá xăng dầu hay dự án điện than… được nhiều cơ quan báo chí phản ánh trong ngày hôm nay 29/9.

Trong đó, VTC News đã đăng tải bài viết “Giá xăng dầu bán lẻ tiếp tục giảm sâu?”. Theo bài viết, giá dầu thế giới trồi sụt nhưng xu hướng chung là giảm và có thể sẽ tiếp tục rớt trong những ngày tới. Do đó, trong kỳ điều hành giá tới đây, giá bán lẻ xăng dầu có thể sẽ được điều chỉnh giảm để phù hợp biến động giá thế giới. Mức giảm phụ thuộc vào việc sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá (BOG).

Bài viết cũng đưa thêm thông tin, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và 50% thuế giá trị gia tăng với xăng, dầu. Nếu đề xuất này được thực hiện, xăng E5RON92 sẽ giảm khoảng 1.700 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.921 đồng/lít.

Báo Tuổi trẻ cũng đưa ra những dự báo tích cực qua bài “Giá xăng có khả năng giảm lần thứ 4 liên tiếp”. Theo đó, giá xăng dầu vẫn trong xu hướng giảm, với mức giảm của ngày 27/9 so với ngày trước đó lên đến 1.600 đồng/lít xăng RON95-III và 1.000 đồng/lít đối với dầu DO. Do đó, nếu dầu thô tiếp tục lao dốc hoặc chững lại như hiện nay, giá xăng bán lẻ trong nước sẽ giảm khá mạnh vào kỳ điều hành ngày 1-10 (hoặc ngày 3-10 do trùng vào ngày nghỉ). So với thời điểm xăng đạt đỉnh vào ngày 21-6, giá xăng đã có 9 kỳ điều chỉnh giảm hoặc không tăng với mức giảm lên đến hơn 30%.

Trong lĩnh vực điện, báo Người lao động đã đăng tải bài viết “Giá điện bình quân sẽ tăng?”. Theo bài viết, theo Quy hoạch điện VIII, giá điện bình quân (quy về USD năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 US cent/kWh vào năm 2020 lên 8,4 - 9,4 US cent/KWh (khoảng 1.982 - 2.219 đồng/KWh) vào năm 2030. So với phương án phụ tải cơ sở, giá điện bình quân sẽ cao hơn 10% vào năm 2030. Giai đoạn 2031 - 2050, ước tính giá điện bình quân tăng trong khoảng 10,8 - 11,4 US cent/KWh. Hiện nay, mức giá bán lẻ điện bình quân vẫn được áp dụng theo mức từ năm 2019 là 1.864,44 đồng/KWh (chưa gồm thuế GTGT), tăng 8,36% so với trước đó (1.720,65 đồng/KWh).

Bộ Công Thương cho rằng, so với các nước, giá điện của Việt Nam tương đối thấp (bình quân khoảng 7,9 US cent/KWh). Vào năm 2030, giá điện dự kiến 8,4 - 9,4 US cent/KWh thì vẫn thấp hơn giá hiện tại của Indonesia và Thái Lan.

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 29/9: Giá xăng dầu bán lẻ tiếp tục giảm sâu?

Theo tờ trình của Bộ Công Thương, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, giá điện gió, điện mặt trời đang giảm nhanh và sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Dự báo giá điện gió trên bờ giảm từ 7,74 US cent/KWh giai đoạn trước năm 2025 còn 6,35 US cent/KWh trước năm 2030 và 5,72 US cent/KWh sau năm 2040. Giá điện gió ngoài khơi có thể giảm từ 11 US cent/KWh hiện nay còn 9 US cent/KWh trước năm 2030 và 6 US cent/KWh sau năm 2040. Giá điện mặt trời có thể giảm còn 5-6 US cent/KWh trước năm 2030 và 4,8 US cent/KWh sau năm 2040. Thậm chí, một số dự báo cho thấy các loại hình năng lượng tái tạo có thể giảm nhanh hơn nữa.

Cũng trong lĩnh vực điện, báo Lao động có bài viết “Không chủ đầu tư nào muốn dừng dự án điện than”. Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 9/2022, cả nước có 39 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất 24.674 MW đang vận hành. Còn 12 dự án nhiệt điện than, tương ứng 13.792 MW đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, hoặc đang triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Ðiện VIII), Bộ Công Thương cho rằng, "theo các văn bản gửi Bộ Công Thương gần nhất, không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án. Vì vậy, để tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước, cần tiếp tục để trong Quy hoạch Điện VIII các dự án này, nhất là các dự án BOT có chủ đầu tư nước ngoài".

Lượt xem: 25
Tác giả: Hải Linh