• :
  • :

Doanh nghiệp cần thích ứng nhanh khi hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi

Trong thời đại công nghệ bùng nổ, cách thức tiêu dùng của người dân đã có nhiều thay đổi đáng kể. Vậy các doanh nghiệp cần thích ứng như thế nào?

Mua sắm trên các sàn thương mại điện tử “lên ngôi”

Thương mại điện tử và các công nghệ mới đã và đang định hình lại cách chúng ta mua sắm hàng ngày. Từ việc ưu tiên tính bền vững, chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến, cho đến sự nổi lên của thế hệ Gen Z với các yêu cầu và thói quen tiêu dùng đặc trưng, mọi khía cạnh của hành vi người tiêu dùng đang chuyển biến nhanh chóng.

Theo thống kê, 94% người tiêu dùng đã tăng cường sử dụng thanh toán không tiền mặt trong năm qua, với 54% sử dụng mã QR và 76% sử dụng công nghệ sinh trắc học cho ít nhất một lần giao dịch​.

Thị trường influencer marketing tại Việt Nam đã đạt mức chi tiêu 64,23 triệu USD vào năm 2022 và dự báo sẽ tăng lên 87,02 triệu USD vào năm 2024​.

Thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Với sự bùng nổ của các nền tảng như Shopee, Lazada, và Tiktok, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm mọi lúc, mọi nơi. Các công nghệ tiên tiến như AI, mạng 5G, và thực tế ảo (VR) đang được áp dụng để nâng cao trải nghiệm mua sắm. Ngoài ra, live shopping và livestreaming cũng đang phát triển mạnh mẽ, giúp người tiêu dùng tương tác trực tiếp với người bán và sản phẩm thông qua các video trực tiếp​.

Doanh nghiệp cần thích ứng nhanh khi hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi
Người tiêu dùng ngày càng chuộng việc mua sắm online thông qua sàn thương mại điện tử (Ảnh minh hoạ)

“Trước đây, tôi thường xuyên đi chợ và siêu thị để mua sắm, nhưng bây giờ mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Tôi cũng ít đi chợ truyền thống và siêu thị hơn, tôi hay mua ở các cửa hàng tiện lợi gần nhà hoặc các shop nhỏ khi cần mua những món hàng nhỏ lẻ và gấp. Thay vào đó, tôi mua sắm trực tuyến khá thường xuyên, với các món hàng đồ gia dụng, thực phẩm khô, quần áo, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Ngoài ra, tôi cũng mua sách và các sản phẩm cho con. Mua trực tuyến tiết kiệm thời gian, trên đó cũng hay có chương trình khuyến mãi, giảm giá, tiết kiệm chi phí, và giao tận nhà”, chị Châu Tuyết Quỳnh, 30 tuổi, ở Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và internet như hiện nay, mua hàng online đã trở thành thói quen của rất nhiều người. Vì nó mang lại nhiều tiện lợi như: Chủ động và tiết kiệm thời gian, lựa chọn mua hàng online giúp khách hàng dễ dàng cân nhắc, tham khảo các sản phẩm với giá cả được niêm yết rõ ràng cùng đánh giá thực tế từ những người mua trước. Bên cạnh đó, hiện tại cũng có nhiều trang web review sản phẩm với nội dung chất lượng mà người tiêu dung có thể tham khảo để có thêm thêm thông tin hỗ trợ cho việc mua hàng được tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc TikTok Việt Nam: “Nền tảng thương mại điện tử được xác nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước nên người bán, người mua đều có định danh do đó những câu chuyện xử lý tranh chấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là hoàn toàn được bảo đảm. Tất nhiên cũng đã có sự hiểu nhầm là trên các cái nền tảng internet vẫn tồn tại việc mua bán cũng là thương mại điện tử nhưng không thông qua các sàn, chẳng hạn như các hội nhóm trên các nền tảng xã hội”.

Doanh nghiệp cần chuyển mình, hướng đến tiêu dùng xanh và bền vững

Hiện người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo McKinsey, khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm "xanh" và "sạch", được sản xuất từ nguyên liệu thô bền vững. Các sản phẩm như trái cây và rau hữu cơ, thực phẩm chay, và nước uống được bảo quản sinh học đang ngày càng trở nên phổ biến.

Thị trường này dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ vào năm 2024, khi người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm có tác động tích cực đến môi trường và xã hội​. Theo điều tra nghiên cứu mới đây cho thất, 80% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, và thị trường này đang phát triển nhanh chóng​.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhận định, tiêu dùng bền vững và các sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong năm 2024. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về các vấn đề môi trường và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc bền vững.

Để tiến tới phát triển bền vững, nhiều công ty, đơn vị đang thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh, đặc biệt là nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon. Nhiều siêu thị như Co.op mart Việt Nam, siêu thị Big C… đã nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm, dùng các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường…

Nhiều cửa hàng trà sữa, cà phê kinh doanh theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng ống hút tre, giấy, bột gạo hoặc inox để thay ống hút nhựa; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy…và được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích và lựa chọn.

Ngoài việc thay đổi thói quen, ngày nay giới trẻ cũng rất quan tâm đến việc tiêu dùng hướng đến sự đa dạng, tiện lợi, nhanh chóng, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo.
Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, chuyên gia kinh tế, nhận định, sự tiện lợi và an toàn của các phương thức thanh toán như ví điện tử, mã QR, và ngân hàng số đã thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam chuyển từ tiền mặt sang các hình thức thanh toán điện tử. Xu hướng này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mất cắp mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế số.

Sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong bối cảnh thương mại và công nghệ hiện đại là một minh chứng rõ ràng cho sự tiến bộ và thay đổi không ngừng của xã hội. Người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến giá cả và chất lượng sản phẩm, mà còn chú trọng đến yếu tố bền vững, tiện lợi và trải nghiệm cá nhân hóa. Điều này đặt ra thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc thích ứng và phát triển các chiến lược kinh doanh phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng.

Lượt xem: 7
Tác giả: Yến Thư