• :
  • :

Doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp 30% giá trị xuất khẩu của Việt Nam

Chiều 18/2, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc và Phòng Thương mại công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức “Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính Thuế - Hải quan năm 2022” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh, đối thoại chính sách Thuế - Hải quan với các doanh nghiệp Hàn Quốc là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước chia sẻ về các chính sách tài chính, trong đó tập trung vào lĩnh vực thuế, hải quan, đồng thời cũng là dịp để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp nhằm hướng dẫn, giải đáp hoặc ghi nhận để nghiên cứu hoàn thiện cơ chế và thủ tục hành chính.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Năm 2021, Chính phủ hai nước đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa 2 nước, điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của hai nước trong thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp 30% giá trị xuất khẩu của Việt Nam
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính

Cho đến nay, theo số liệu của các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với hơn 9.200 dự án, tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 74 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng số vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc đã thu hút và sử dụng khoảng gần 1 triệu lao động, đóng góp 30% giá trị xuất khẩu của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, đồng thời tích cực trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế; trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lại rất sôi động, đa dạng, do đó, trong quá trình áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính vào thực tiễn không tránh khỏi có các khó khăn, vướng mắc.

Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bạn về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các bạn, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động và phát triển tại Việt Nam.

Đại sứ Park Noh Wan cho biết, trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa thì các chính sách của mỗi quốc gia luôn được các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lưu tâm hàng đầu, đặc biệt là chính sách thuế có tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh khiến các nhà đầu tư buộc phải nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này, do đó Hội nghị Đối thoại chính sách với Doanh nghiệp Hàn Quốc của Bộ Tài chính Việt Nam có ý nghĩa quan trọng và rất thiết thực.

Đại sứ Park Noh Wan cũng cho rằng, để có thể cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc và Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục phải tăng cường hợp tác hơn nữa, đặc biệt trong năm 2021, hai nước đã cùng sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hàn Quốc, điều này sẽ cải thiện môi trường chính sách thuế và hải quan nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2022, ông tin tưởng hai nước sẽ tăng cường hợp tác và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp có thể thay đổi tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, trong năm 2020-2021, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính mà trực tiếp là cơ quan Thuế - Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như giãn hoãn tiền thuế, tiền thuê đất, cũng như chính sách giảm thuế đối với một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của đại dịch. Các giải pháp này đã góp phần vào việc đảm bảo dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh; từ đó đã hỗ trợ phục hồi chuỗi cung ứng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và duy trì công ăn, việc làm cho người lao động.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ rà soát các luật thuế, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định về thuế giá trị gia tăng, Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu mới, Bộ Tài chính tin tưởng rằng, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách thuế, công tác quản lý thuế, hải quan cũng sẽ được hoàn thiện. Qua Hội nghị đối thoại này, Bộ Tài chính sẽ tiếp nhận thêm các ý kiến của doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm tiếp tục củng cố cơ chế chính sách cũng như thực thi nghiệp vụ để phục vụ ngày càng tốt hơn, phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn tới.

“Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác: Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Bảo Thoa

Lượt xem: 125
Tác giả: Mai Phương Thảo
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...