Giá xăng dầu tăng ở mức độ "chịu đựng được"
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng từ 15,45-20,88% nhưng giá bán lẻ trong nước chỉ tăng từ 9,59-14,04%.
Ngày 25/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì họp Ban Chỉ đạo Điều hành giá.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong 2 tháng đầu năm, giá các hàng hóa, nguyên vật liệu chiến lược tăng mạnh chủ yếu do sự phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.
Đặc biệt là thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng lên 105 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Trước diễn biến giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao tác động làm tăng giá xăng dầu trong nước, Bộ Công thương đã triển khai các giải pháp về đảm bảo nguồn cung; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.
Để tiếp tục bình ổn thị trường, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong công tác điều hành giá theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: MOF) |
Trong đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trao đổi với Bộ Công thương đề nghị tăng cường công cụ Quỹ Bình ổn (BOG) tại các kỳ điều hành tới khi giá thế giới tiếp tục tăng và ở mức cao để góp phần kìm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước, phục vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Nhận định về thị trường xăng dầu hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện bị cắt giảm rất nhiều nên Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động nhập khẩu nguồn hàng, bù đắp nguồn thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, mới đây nhất, ngày 24/2, Bộ Công thương đã ban hành quyết định giao bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước, đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa đối với mặt hàng nhạy cảm là đầu vào của nền kinh tế này, Bộ Công thương đang tăng cường triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: MOF) |
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, chịu tác động rất lớn của giá cả trên thị trường thế giới.
Theo Phó Thủ tướng, trên thị trường thế giới, từ ngày 11/1 đến 21/2, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng từ 15,45-20,88%, nhưng giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59-14,04%.
"Điều này chứng tỏ chúng đã điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ chịu đựng được, thấp hơn các nước trong khu vự", lãnh đạo Chính phủ đánh giá.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chính phủ việc giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu một số nước láng giềng có thể dẫn tới tình trạng buôn lậu mặt hàng này qua biên giới. Do đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.
Vừa qua có tình trạng một số cơ sở kinh doanh xăng dầu găm hàng, nhưng không phải là hiện tượng phổ biến. Ví như, cả TP HCM có 458 đầu mối, chỉ có 8 cơ sở găm hàng, ngừng bán… Hiện tượng này xảy ra không phải là do thiếu nguồn cung hay doanh nghiệp cố tình găm hàng để đẩy giá lên (vì giá xăng do Nhà nước định giá theo kỳ điều hành, niêm yết theo quy định) mà là do nhận thức của người kinh doanh.
"Đây là hành vi kinh doanh không đúng quy định của pháp luật. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh, khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi sai phạm hoặc phát hiện thông qua phản ánh của báo chí sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân… Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật, phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ.