• :
  • :

Mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn

Thời gian qua, các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội được đẩy mạnh. Qua đó, mô hình này đã thực sự mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh.

Đa dạng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất

Thống kê của ngành nông nghiệp Thủ đô cho thấy, hiện toàn thành phố có 145 chuối liên kết sản xuất nông nghiệp đang hoạt động. Trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt.

Về hình thức liên kết, trong 145 chuỗi, có 14 chuỗi liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 1 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 46 chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 2 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 54 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 7 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 21 chuỗi liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thực tiễn cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều mô hình liên kết điển hình, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao của Hợp tác xã Đoàn Kết; Chuỗi gạo hữu cơ và bưởi diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; Chuỗi Thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; Chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; Chuỗi thịt lợn sạch của Công ty TNHH thực phẩm sạch Oganic Ggreen; Chuỗi rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân; Chuỗi rau sạch của Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn…

Mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn

Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế

Ông Ngô Trọng Hiển ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) là một trong những hội viên xuất sắc của Hà Nội về phát triển chăn nuôi theo chuỗi. Ông Hiển chia sẻ, khởi điểm từ mô hình nuôi gà đẻ lấy trứng, đến nay, ông đã phát triển thành mô hình chăn nuôi với quy mô sản xuất 2.000m2 chuồng, mỗi lứa nuôi từ 1 vạn gà đẻ, 7.000 gà thịt. Đặc biệt, trang trại của gia đình đã xây dựng quy mô hiện đại, khép kín, tự chế biến thức ăn chăn nuôi. Mô hình cho hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng/năm.

Tương tự, thời gian qua, nông dân huyện Gia Lâm cũng chủ động phát triển, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn cho hay, để giúp nông dân phát triển các mô hình theo chuỗi, từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức tọa đàm, tuyên truyền thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh cho 2.543 lượt hội viên; Chuyển đổi 24,93ha lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, bảo đảm chất lượng.

Nông dân cũng chủ động duy trì 202 tổ nhóm sản xuất PGS với hơn 3.000 thành viên tham gia; Duy trì 14 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp... Ngoài ra, Hội tổ chức hướng dẫn thành lập 10 tổ hợp tác và ký kết hợp đồng hợp tác với 75 hộ tham gia; Thành lập 17 tổ nông dân nghề nghiệp; 1 chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ quả an toàn xã Đa Tốn. Các mô hình đã mang đến giá trị kinh tế cao cho hội viên, nông dân; sản phẩm của các tổ, hội, hợp tác xã được các doanh nghiệp, siêu thị bao tiêu...

Mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp

Mặc dù Hà Nội rất tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành và đã tiếp nhận một số dự án, kế hoạch liên kết đề nghị hỗ trợ, tuy nhiên, trên địa bàn cùng còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai mô hình. Nguyên nhân được chỉ ra là do đại dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm biến động các thị trường nông sản, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng đến người sản xuất.

Để phát huy những kết quả đã đạt được cũng như khắc phục những tồn tại, khó khăn trong triển khai mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn, trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn Hà Nội cần tập trung tăng cường công tác truyền thông quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông của Trung ương và thành phố về gương điển hình tiên tiến, các mô hình làm tốt để doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, người tiêu thụ và các tầng lớp Nhân dân tham quan, học tập.

Cùng với đó, cần tăng cường ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ nano, kinh tế tuần hoàn... trong quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản xuất.

Mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn

Thời gian tới, Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình theo chuỗi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn

Đồng thời đẩy mạnh đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất và ứng dụng đồng bộ các công nghệ, kỹ thuật mới để vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp (hợp tác xã chuyên ngành), để làm đầu mối tiếp nhận ứng dụng kỹ thuật mới và chuyển giao cho các thành viên hợp tác xã. Trong đó, đơn vị chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phải xác định là một mắt xích không thể tách rời trong chuỗi liên kết, chịu trách nhiệm cùng hợp tác xã hướng dẫn thành viên trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản để có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của đơn vị phân phối tiêu thụ.

Đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm làm tốt công tác dự tính, dự báo thị trường tiêu thụ, yêu cầu làm rõ về số lượng, chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm để làm cơ sở cho đơn vị chuyển giao, hợp tác xã và người sản xuất áp dụng với công nghệ phù hợp và giá thành hợp lý nhất, giúp tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội khẳng định, việc nông dân chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật và phát triển các mô hình theo chuỗi đã góp phần rất lớn trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cấp Hội Nông dân để nhân rộng mô hình theo chuỗi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn…

Lượt xem: 37
Tác giả: Khắc Nam
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...