Ngành dệt may được dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42 đến 43,5 tỷ USD năm 2022
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 3 đạt 3,05 tỷ USD, tăng 48,3%, tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD so với tháng trước. Tính chung, trong quý 1/2022, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 8,68 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỷ USD. Đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Dệt may là nhóm hàng đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng xuất khẩu quý 1 của cả nước (Ảnh minh họa) |
Đáng chú ý, với con số tăng thêm 1,46 tỷ USD, dệt may là nhóm hàng đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng xuất khẩu quý 1 của cả nước (chiếm gần 14% kim ngạch tăng thêm của cả nước). Quý 1, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 4,36 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Các thị trường lớn khác là thị trường EU với 896 triệu USD, tăng 31,4%; Nhật Bản với 771 triệu USD, giảm 2,9%; Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 6,9%...
Ngoài dệt may, 2 nhóm hàng xuất khẩu quan trọng khác của ngành công nghiệp dệt may cả nước cũng có sự tăng trưởng ấn tượng là xơ, sợi và vải mành, vải kỹ thuật. Trong đó, quý 1, xơ, sợi đạt 1,45 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái và nhóm vải mành, vải kỹ thuật đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,5%. Như vậy, trong quý đầu năm, 3 nhóm hàng xuất khẩu chính của ngành công nghiệp dệt may đạt 10,85 tỷ USD, đạt hơn 25% so với mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022.
Năm 2022, ngành dệt may được dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42 đến 43,5 tỷ USD, đây là con số được cho là khả quan, bởi thế giới dự báo tổng cầu dệt may năm 2022 tăng khoảng 3%. Cùng với đó, sau thời gian dịch bệnh, việc giữ được sự liên tục vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu là một lợi thế. Mặt khác, Việt Nam là điểm đến ưu tiên khi khách hàng lớn, đơn hàng lớn trên thế giới quay trở lại đặt hàng.
Diệp Anh