Nhà đầu tư condotel mắc kẹt, khó thoát hàng
Nhiều nhà đầu tư muốn bán căn hộ condotel để tìm cơ hội đầu tư khác nhưng lại rơi vào tình trạng “mắc kẹt”, khó thoát hàng dù đã liên tục rao bán, giảm giá sâu.
Cam kết lợi nhuận “đứt gánh giữa đường”
Condotel đã từng là phân khúc rất “nóng”, trở thành trào lưu đầu tư tại các thành phố du lịch như Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc, Đà Nẵng… vào giai đoạn năm 2015 đến 2018.
Tuy nhiên, từ năm 2019 phân khúc này bộc lộ hàng loạt các vấn đề như những vướng mắc về mặt pháp lý, năng lực vận hành, cam kết lợi nhuận và việc thực hiện cam kết, chi trả lợi nhuận của chủ đầu tư,… khiến nhiều nhà đầu tư dần quay lưng với phân khúc này.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư ôm hận vì bỏ tiền tỉ đầu tư vào căn hộ condotel nhưng lại rơi vào tình trạng “mắc kẹt”, “chôn vốn”, khó thoát hàng, nhiều người ròng rã nhiều năm trời đi đòi quyền lợi.
Chị Thu Huyền (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị đã mua một căn hộ condotel hơn 60m2 với giá 2,5 tỉ đồng tại Hạ Long (Quảng Ninh) vào năm 2018. Sau khi được chủ đầu tư bàn giao và đưa vào khai thác cho thuê với cam kết lợi nhuận 12% giá trị căn hộ/năm, tuy nhiên chủ đầu tư chỉ thực hiện cam kết và thanh toán lợi nhuận trong hơn một năm, còn lại từ năm 2020 đến nay vẫn chưa chi trả.
“Tôi và rất nhiều nhà đầu tư khác đã cố gắng làm việc với chủ đầu tư để hai bên cùng tháo gỡ. Nhưng họ luôn tìm cách trì hoãn, kéo dài nghĩa vụ trả nợ, thậm chí cam kết, hứa hẹn rất nhiều lần trong biên bản làm việc và sau đó đều không thực hiện. Vì vậy, chúng tôi đã nộp đơn khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án”, chị Huyền chia sẻ.
Thực tế, câu chuyện người mua bất động sản “sập bẫy” cam kết lợi nhuận không phải là hiếm gặp, điển hình như những vụ vỡ cam kết lợi nhuận condotel, các vụ góp vốn đầu tư đất nền cam kết lợi nhuận cao… Nổi bật nhất là vào cuối năm 2019, khi Empire Group - chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng tuyên bố dừng chi trả lợi nhuận với các shophouse, condotel.
Trước đó, dự án condotel Bavico tại Nha Trang cũng từng phải đàm phán với khách hàng để giảm mức cam kết lợi nhuận từ 15%/năm xuống còn 8%. Tuy nhiên, sau đó việc chi trả của chủ đầu tư này cũng không được thực hiện.
Giảm giá sâu vẫn không thể "thoát hàng"
Mất niềm tin vào cam kết lợi nhuận, việc tự vận hành cũng không đem lại lợi nhuận như kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư đã tìm cách “thoát” hàng để chuyển hướng tìm cơ hội đầu tư khác. Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường không thuận lợi, việc bán căn hộ condotel hiện không phải điều dễ dàng. Giao dịch loại hình này trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều rất khó khăn.
Anh Nguyễn Nam, một nhà đầu tư hiện đang là chủ 3 căn hộ condotel tại Nha Trang chia sẻ, hiện các nhà đầu tư đang mất niềm tin vào loại hình này do sự chưa rõ ràng về mặt pháp lý kèm theo đó là sự bội tín trong cam kết của nhiều chủ đầu tư, những yếu tố này đã khiến thị trường condotel lao dốc.
Đánh giá về thị trường condotel Việt Nam, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, tại Việt Nam, condotel kém hiệu quả do chất lượng dự án chưa cao, mô hình trùng lặp, thiếu định hướng bền vững.
Theo ông Mauro, so với các thị trường condotel trong khu vực như Thái Lan, Indonesia thì Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức hơn. Nguồn cung bùng nổ ở giai đoạn trước cùng chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận cao nhưng các chủ đầu tư không thực hiện đã khiến thanh khoản dòng sản phẩm này trở nên khó khăn.