• :
  • :

Nhu cầu vay vốn tăng, ngân hàng nâng "chất" cho “room” tín dụng

Sự dịch chuyển mô hình kinh doanh ngân hàng từ hệ sinh thái đóng sang hệ sinh thái mở sẽ là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế. Đây là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Khai thông dòng vốn

Mới đây, Nam A Bank đã ký kết hợp tác chiến lược với Nam Miền Trung Group với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam lên đến 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025. Bên cạnh đó, Nam A Bank còn cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính nhằm gia tăng năng lực cho chuỗi 4 nhà gồm: Nhà cung ứng đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, thiết bị vật tư,…), nhà chăn nuôi, nhà thu mua, chế biến, nhà xuất, nhập khẩu. Đồng thời, Nam Miền Trung Group cam kết sẽ hỗ trợ Nam A Bank tối đa trong việc tiếp cận và khai thác hệ sinh thái khách hàng trong chuỗi 4 nhà nêu trên.

Nhu cầu vay vốn tăng, ngân hàng nâng

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc Nam A Bank chia sẻ, Nam A Bank đang có danh mục gần 10 sản phẩm cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn với trên 100.000 khách hàng cả nước, chiếm gần 1/4 tỷ trọng dư nợ cho vay toàn hệ thống với lãi suất ưu đãi và điều kiện vay linh hoạt.

BIDV cũng có chương trình ưu đãi tín dụng dành cho khách hàng cá nhân có tổng quy mô lên tới 200.000 tỷ đồng, lãi suất linh hoạt chỉ từ 5%/năm. Gói tín dụng triển khai từ nay đến khi hết quy mô gói nhằm giúp khách hàng phát triển kinh doanh, vay tiêu dùng, trở lại cuộc sống “bình thường mới”.

Tương tự, Agribank đã công bố gói tín dụng tiêu dùng trị giá 25.000 tỷ đồng dành cho những khách hàng vượt qua dịch bệnh Covid-19 vay vốn với lãi suất 7,5%/năm qua hình thức phát hành thẻ.

Với các ngân hàng khác, ABBank dành hạn mức lên đến 4.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,29%/năm trong 12 tháng đầu cho các hồ sơ vay có kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. MSB cấp hạn mức tín dụng tín chấp đến 500 triệu đồng/khoản vay đối với các nhà xuất khẩu; lãi suất cho vay bằng ngoại tệ chỉ từ 2,5%/năm, bằng VND là 5,5%/năm. Bắc Á Bank triển khai đồng thời nhiều gói ưu đãi cho vay với các giải pháp tài chính tối ưu cho khách hàng…

Theo số liệu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, tính đến cuối tháng 2, tín dụng tăng trưởng 1,82% so với cuối năm 2021, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 0,66%) và về với mức bình thường so với thời điểm chưa xảy ra Covid-19 (tín dụng 2 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 1%). Vì thế, theo các chuyên gia, tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực.

Cần linh hoạt hạn mức tín dụng

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2022 mới đây, nhóm công tác ngân hàng của VBF đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng để các ngân hàng có thể có nhiều dư địa cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi cần thiết. Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc (BitCham) đề nghị, Việt Nam cần linh hoạt hơn trong việc trao hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng để mở rộng kinh doanh thời kỳ hậu giãn cách xã hội. Từ thực tế các ngân hàng Anh đang hoạt động tại Việt Nam, BitCham cho rằng năm nay nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ triển khai dự án ở Việt Nam nên hạn mức tăng trưởng tín dụng của mỗi ngân hàng cần nhiều hơn.

Theo thông lệ hàng năm vào cuối quý 1, NHNN sẽ hoàn tất việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng. Nguyên tắc chung trong phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN là dựa vào quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn, quy mô khách hàng của từng tổ chức tín dụng, ngoài ra còn có các chỉ tiêu gồm tỷ trọng cao trong cho vay sản xuất kinh doanh hoặc cho vay các lĩnh vực Chính phủ ưu tiên phát triển…

Năm 2022, NHNN định hướng tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, ứng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% của Chính phủ. Đặc biệt, năm nay, hệ thống ngân hàng được Chính phủ giao nhiệm vụ cấp bù lãi suất 2% đối với những doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và có khả năng phục hồi tăng trưởng. Như vậy, khả năng tín dụng sẽ còn tăng mạnh trong những tháng tiếp theo.

Về vấn đề này, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ của VIB cho hay, NHNN khá thận trọng trong việc cấp room tín dụng đầu năm. Tuy nhiên, bà Hương kỳ vọng trong nửa cuối năm 2022, khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, room tín dụng sẽ được nới ra theo nhu cầu tín dụng. Vì thế, các ngân hàng hiện nay không chỉ cần quan tâm đến việc room tín dụng cao bao nhiêu, mà còn cần quan tâm đến việc room tín dụng được sử dụng như thế nào. Chẳng hạn, VIB sẽ dành 90% room tín dụng cấp cho mảng bán lẻ, so với mức trung bình ngành khoảng 35-40%.

Tuy nhiên, những năm qua, hạn mức tăng trưởng tín dụng giao cho mỗi tổ chức tín dụng không cố định, mà định kỳ NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu. Do đó, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn vay vốn của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng phải mở rộng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, đưa vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Lượt xem: 170
Tác giả: Mai Phương Thảo