• :
  • :

Sản xuất thép có giữ được đà tăng kỷ lục trong năm 2022?

Các tổ chức đầu tư dự báo thị trường thép sẽ tiếp tục đà tăng ngay sau Tết Nguyên đán và có thể đạt tăng trưởng 20% trong năm 2022.

Những lô thép đầu tiên được xuất khẩu trong năm mới 2022. Ảnh: TTX

Những lô thép đầu tiên được xuất khẩu trong năm mới 2022. Ảnh: TTX

Dữ liệu vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố cho thấy trong khi tiêu thụ trong nước có chiều hướng ảm đạm trong cả năm 2021, xuất khẩu lại duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Với các biến động về chuỗi cung ứng trên toàn cầu, trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt khoảng 14 triệu tấn với giá trị đạt hơn 12,7 tỉ USD, tăng 43% về sản lượng và tăng gần 2,5 lần về giá trị so với năm 2020.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản phẩm thép của Việt Nam trong năm 2021 được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trong trong khu vực cũng như thế giới.

Đáng chú ý, cũng theo VSA, ngoài tăng trưởng ấn tượng về sản lượng, cơ cấu thị trường xuất khẩu các sản phẩm thép Việt Nam cũng thay đổi và điều này cho thấy sự linh hoạt thích ứng của các doanh nghiệp thép Việt Nam.

Trong top 5 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam, tỉ trọng xuất khẩu vào các thị trường có mức tăng rất mạnh trong năm 2021 như EU, Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc), trong khi tỉ trọng vào một số thị trường khác như ASEAN, Trung Quốc lại giảm đáng kể. 

Bước sang năm mới, VSA cho hay ngành thép sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trên thế giới, trong quý I.2022 nhu cầu thép tiếp tục ở mức cao do các nền kinh tế lớn thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là Mỹ. Dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỉ USD ở Mỹ sẽ làm tăng nhu cầu thép khoảng 5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2022-2025.

Hơn nữa, việc Trung Quốc giảm sản xuất thép và hạn chế xuất khẩu để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải cũng tạo cơ hội nhiều hơn cho xuất khẩu thép của Việt Nam.

Thực tế, ngay từ đầu năm mới và trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu thép với sản lượng lớn qua các cảng biển.

Cụ thể ngay từ đầu tháng 2.2022, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Italia với khối lượng 35.000 tấn.

Theo anh Trần Ngọc Ân – Phó phòng Kinh doanh Hòa Phát Dung Quất, lô hàng có mác thép là SAE 1006 và thời gian giao hàng dự kiến từ ngày 15-20.2.2022 tới đây.

Đáng chú ý, hiện có rất nhiều khách hàng nước ngoài muốn đặt mua HRC được sản xuất tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp trong nước chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường do năng lực sản xuất mặt hàng này còn hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp theo đó đang tập trung mở rộng công suất sản xuất như Hòa Phát hiện đang đẩy mạnh triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng với công suất 5,6 triệu tấn/năm. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của doanh nghiệp này có thể đạt khoảng 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức đầu tư tin tưởng gói kích thích kinh tế sẽ nhanh chóng giúp thị trường hồi phục. Cụ thể, gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 150.000 tỉ đồng, cộng với mức 530.000 tỉ đồng đang có, sẽ giúp chi tiêu công tăng 38% trong năm 2022.

Chứng khoán Maybank Kim Eng cũng kỳ vọng những điều chỉnh về luật xây dựng, đầu tư và nhà đất sẽ tháo gỡ nút thắt đang ngăn cản sự phát triển ngành bất động sản nhà ở trong những năm gần đây. Điều này sẽ giúp thị trường thép trong nước tăng trưởng 15-20% trong năm 2022.

Lượt xem: 265
Tác giả: Lam Duy
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...