• :
  • :

Vĩnh Phúc: Tăng trưởng kinh tế đạt 9,54%, cao nhất trong 5 năm

Nhờ phát huy hiệu quả nội lực, tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2022 đạt 9,54%, vượt mục tiêu đề ra và đạt cao nhất trong 5 năm vừa qua.

Kinh tế khởi sắc nhờ đổi mới trong chỉ đạo, điều hành

Đầu năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 8-9,5%. Đây được đánh giá là mục tiêu vô cùng thách thức với địa phương trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cả nước và địa phương. Theo đó, để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo, đổi mới trong điều hành, đánh giá cán bộ, và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm phát huy cao nhất nguồn nội lực địa phương, tạo cơ hội tăng trưởng kinh tế.

Vĩnh Phúc: Tăng trưởng kinh tế bứt phá nhờ phát huy hiệu quả nội lực
Tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 đạt 9,54%, tức là cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm từ 8-9,5%

Kết qủa, kết thúc năm 2022, tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, theo số liệu từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,54%, tức là cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm (8-9,5%), cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (8,02%) và là mức tăng trưởng cao nhất địa phương đạt được trong vòng 5 năm qua.

Theo ông Lê Duy Thành – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Với kết quả trên, Vĩnh Phúc nằm trong Top các tỉnh có chất lượng tăng trưởng ổn định và cao của cả nước; cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực, đúng định hướng. GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9/63 tỉnh, thành trên cả nước. Cùng với đó, thu ngân sách trên địa bàn trong năm 2022 vượt mốc 40.000 tỷ đồng, đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ.

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng là một điểm sáng của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2022, sau 2 năm, địa phương đã thu hút được 1,6 tỷ USD, gần đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ với mục tiêu thu hút từ 2-2,5 tỷ USD.

Để đạt được các chỉ tiêu kinh tế tích cực như trên, năm 2022 tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến phát huy hiệu quả nội lực thông qua những việc làm cụ thể như đổi mới phương thức lãnh đạo. Theo đó, năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 44 cơ chế, chính sách, các cơ chế chính sách này chủ yếu tập trung vào thúc đẩy nâng cao đời sống, thu nhập và phúc lợi cho nhân dân. Cùng với đó, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, phân công phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện giao việc và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm với 43 người đứng đầu các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh uỷ; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các sở, ban ngành… tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm và mang lại hiệu quả cao.

Nhằm phát huy cao nhất nội lực của địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đặc biệt chú trọng việc tập trung giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, dự án trọng điểm, nhằm tạo thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Với những nỗ lực đó, cải cách hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã thực chất đi vào chiều sâu, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; chỉ số Par Index xếp thứ 5/63; chuyển đổi số xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố...

Nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã phát huy hiệu quả nội lực, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của địa phương. Thể hiện qua những con số cụ thể như nhìn từ cơ cấu thuế, nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chiếm đến 80%. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 ước tăng khoảng 15,5%, riêng ngành chế biến, chế tạo ước tăng 15,6% so với năm 2021. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng mạnh so với năm 2021, đặc biệt là doanh thu linh kiện điện tử tăng 24,36%; xe máy các loại tăng 11,02%… Cùng với đó, “rất nhiều tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn trong 5 năm, thậm chí 10 năm qua đã được giải quyết trong năm 2022”, ông Lê Duy Thành cho biết thêm.

Vĩnh Phúc: Tăng trưởng kinh tế bứt phá nhờ phát huy hiệu quả nội lực
Năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng khoảng 15,5%, riêng ngành chế biến, chế tạo ước tăng 15,6% so với năm trước

Tháo gỡ “điểm nghẽn”, hoàn thành mục tiêu 2023

Từ kết quả đạt được của năm 2022, tỉnh UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định mục tiêu cho năm 2023 với tăng trưởng GRDP theo giá so sánh năm 2010 tăng từ 8,0-9,5%; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn chiếm khoảng 30-35% GRDP theo giá hiện hành. Tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 32.398 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 27.398 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 400 triệu USD và đầu tư trong nước là 5.000 tỷ đồng…

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, địa phương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu qủa các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Tỉnh uỷ và Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Đặc biệt, theo ông Lê Duy Thành, tỉnh sẽ tập trung xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các tồn tại, hạn chế đã được các đoàn kiểm tra, giám sát của Trung ương, của tỉnh chỉ ra. Bám sát tình hình kinh tế trong và ngoài nước để kịp thời điều hành dự toán ngân sách tỉnh cho phù hợp năm 2023.

Năm 2023, tỉnh cũng sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, chuẩn bị sẵn các điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, thu hút các dự án công nghệ cao. Cùng với đó, cụ thể hoá để tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, quyết tâm để giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2023.

Để thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung giải quyết vấn đề định giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, khoanh vùng khai thác đất đáp ứng nguồn vật liệu thi công san lấp mặt bằng. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp để tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước…

Nhằm tạo nội lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc bên cạnh tiếp tục triển khai các Đề án tạo đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chính sách phát triển đội ngũ tri thức và thu hút trọng dụng nhân tài... tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hoá công vụ, xử lý ngăn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp vào kinh tế địa phương.

Lượt xem: 5
Tác giả: Nguyễn Hoà