Mọi người đều biết: Muốn quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp và sản phẩm của mình thì một trong những điều quan trọng nhất là phải thực hiện công tác xúc tiến thương mại một cách mạnh mẽ, bền bỉ, trách nhiệm, trung thực tạo niềm tin cho bạn hàng trong và ngoài nước. Nếu làm được như vậy thì hàng hóa sản xuất ra sẽ ngày càng tiêu thụ nhanh và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như sản phẩm của mình trong giai đoạn đấy phức tạp, bất ổn về mọi mặt như hiện nay ở thị trường nội địa Việt Nam cũng như trên thế giới.
Chúng ta đều biết trong điều kiện hiện nay, sức sản xuất hàng hóa của Việt Nam ngày càng tiến bộ, số lượng và quy mô sản xuất ngày càng lớn, Việt Nam có quan hệ thương mại với hàng trăm nước trên thế giới, uy tín chất lượng mẫu mã của hàng Việt ngày càng được bạn hàng mến mộ. Trong nước, Việt Nam có những nhóm ngành hàng đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập ở thị trường nội địa.
Xúc tiến thương mại: Đòn bẩy cho sự phát triển thương mại |
Qua theo dõi tình hình xúc tiến thương mại năm 2023 và những tháng đầu năm nay, có thể dễ dàng nhận thấy, công tác này rõ ràng có những tiến bộ đáng ghi nhận. Năm 2023 và 5 tháng đầu 2024, nhiều hội chợ, triển lãm, hội nghị liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hoá đã được tổ chức cả trong và ngoài nước. Thông qua đó, nhiều hợp đồng đã được ký kết giữa doanh nghiệp Việt với nhau và với các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam.
Đạt được những kết quả trên, một phần là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương và sự kịp thời triển khai của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tìm được đầu ra cho các sản phẩm một cách ổn định và vững chắc. Thương hiệu hàng Việt cũng được xây dựng và củng cố ngày một vững chắc.
Đặc biệt, ở các đia pương vùng sâu vùng xa miền núi, các sản phẩm địa phương cũng được chú ý quan tâm hơn. Các sản phẩm OCOP có cơ hội phát triển, đem lại công ăn việc làm cho người lao động. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn, miền núi cũng có sự cải thiện ngày một tốt hơn.
Liên tục trong 2 ngày 5/6 và 6/6, Bộ Công đã tổ chức 2 sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng là Hội nghị xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng Đồng bằng sông Hồng và Triển lãm Viet Nam International Sourcing 2024.
Việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng kể trên để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu là rất cần thiết và cấp bách. Đây là cơ hội để giao lưu tiếp xúc giới thiệu quảng bá hàng Việt một cách tốt nhất hiệu quả nhất cũng như các cuộc hội nghị xúc tiến trước đây. Điều cần nhấn mạnh qua các sự kiện này các doanh nghiệp cần tạo một niềm tin vững chắc cho nhau, cho cả bạn hàng mua và bạn hàng bán trong và ngoài nước. Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: “Lợi nhuận hài hòa, rủi ro chia sẻ” chúng ta tin tưởng rằng hội nghị thành công tốt đẹp. Góp phần đóng góp cùa ngành sản xuất và thương mại Việt Nam vào việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 2024, làm tiền đề cho năm 2025 và những năm tiếp theo.
Để nâng cao hiệu quả các sự kiện xúc tiến thương mại nói chung, theo quan điểm của tôi, cần phải phát huy, nhân rộng ra các vùng miền trong cả nước để thực hiện các hội nghị xúc tiến thương mại tiếp theo nhằm tới mục đích là các doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ cả sản xuất và phân phối ngay tại sân nhà, như định hướng của Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định. Đồng thời, vươn ra một cách mạnh mẽ để hàng Việt Nam được xuất khẩu đi các nước nhiều hơn hiệu quả hơn trong những năm tới. Những bài học về công tác xúc tiến thương mại không bao giờ giới hạn, chúng ta cần chắt chiu từng kinh nghiệm của các hội nghị để làm giàu cho kiến thức xúc tiến thương mại của mình, điều đó có lợi cho sự phát triển kinh tế thương mại ở Việt Nam một cách nhanh, bền vững và hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài.