Áp thấp chồng áp thấp trước khi mùa bão khốc liệt bắt đầu
Các nhà dự báo bão đang theo dõi một áp thấp mới, là áp thấp thứ hai hình thành trước khi mùa bão 2024 chính thức bắt đầu ở Đại Tây Dương.
Theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, ngày 25.5, áp thấp mới đang tạo ra mây che phủ và mưa rào gần đảo Hispaniola và di chuyển về phía đông bắc.
Các nhà dự báo bão trước đó đã xác định được áp thấp đầu tiên của mùa bão 2024 - ở trung tâm Đại Tây Dương vào ngày 23.5.
Các nhà dự báo bão cho biết, mùa bão Đại Tây Dương năm nay sẽ dữ dội. Nhiệt độ bề mặt nước biển ở Đại Tây Dương, đặc biệt là ở khu vực phát triển chính của bão - từ bờ biển phía tây châu Phi đến Vịnh Mexico - hiện đang nóng như nhiệt độ trung bình của tháng 8 từ năm 2013-2023.
Nhà khí hậu học Brian McNoldy của Đại học Miami (Mỹ) cảnh báo, vùng nước ấm tạo ra các cơn bão và mùa này được dự đoán sẽ là một mùa bão hoạt động dữ dội.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo có 17 đến 25 cơn bão nhiệt đới được đặt tên cho năm 2024 với sức gió duy trì tối thiểu là 62 km/h. Mùa bão trung bình có 14 cơn.
NOAA dự báo có 8 đến 13 cơn bão có tốc độ gió duy trì ít nhất 119 km/h trong khi mùa bão trung bình có 7 cơn. Ngoài ra, dự kiến có 4 đến 7 cơn bão có sức gió duy trì trên 178 km/h - năm trung bình có 3 cơn.
Theo ông McNoldy, nhiệt độ mặt nước biển cao là do sự nóng lên toàn cầu. Điều đó cho thấy mọi thứ thực sự đã và đang vượt quá tầm kiểm soát.
Tại sao đại dương lại nóng như vậy? Các nhà khoa học có một số ý tưởng nhưng không ai có thể giải thích đầy đủ về nhiệt độ hiện tại.
Một yếu tố có thể là việc giảm ô nhiễm sulfur dioxide trong ngành vận tải biển do các tiêu chuẩn ô nhiễm toàn cầu được đặt ra vào năm 2020. Nhưng trớ trêu là các hạt ô nhiễm có tác dụng chặn ánh sáng mặt trời, nên bây giờ nhiều bức xạ mặt trời hơn có thể đến được các đại dương.
Một yếu tố khác có thể xảy ra là vụ phun trào dưới nước của núi lửa Hunga Tonga - Hunga Haʻapai vào năm 2022 gần Tonga ở Thái Bình Dương.
Không chỉ là Đại Tây Dương. Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU, vào tháng 3, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu đạt hơn 21 độ C, một kỷ lục mới.
Gió khiến đại dương luôn chuyển động, nhưng khi gió êm, nó có thể hấp thụ nhiều nhiệt hơn. McNoldy cho biết việc thiếu gió là nguyên nhân thực sự khiến nhiệt độ nóng lên nhanh chóng.
Áp cao cận nhiệt đới (hay còn gọi là áp suất cao Bermuda và áp suất cao Azores) yếu hơn rất nhiều so với bình thường. Điều đó đã làm được hai điều: Giảm sức mạnh của gió mậu dịch xuyên Đại Tây Dương nhiệt đới và làm giảm sự bùng phát bụi ở Sahara.
Bụi Sahara thường bay qua Đại Tây Dương từ Bắc Phi vào mỗi mùa hè. Những luồng khí đó hấp thụ một phần năng lượng của mặt trời và không khí khô của sa mạc có thể ngăn chặn các cơn bão.