Miền Bắc tiếp tục mưa dông, có nơi mưa rất to trên 150mm
Cơ quan khí tượng cho biết ngày và đêm nay 11.9, miền Bắc cục bộ vẫn còn nơi mưa rất to, vượt mốc 150mm.
11h20: Miền Bắc có nơi mưa rất to trên 150mm
Theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng nay (11.9), khu vực đồng bằng, Đông Bắc của Bắc Bộ, Hòa Bình và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to; các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to.
Lượng mưa tính từ 19h ngày 10.9 đến 8h ngày 11.9 có nơi trên 100mm như: Ba Sao (Hà Nam) 111,8mm, Quế Võ (Bắc Ninh) 109,6mm, Cao Sơn (Hòa Bình) 103,6mm, Yên Tĩnh (Nghệ An) 130,4mm, Cẩm Yên (Hà Tĩnh) 106,4mm…
Cơ quan khí tượng đã cập nhật thông tin dự báo diễn biến mưa ở các khu vực trong 24 giờ tới.
Khu vực đồng bằng, Đông Bắc của Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An trong ngày và đêm 11.9, dự báo có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30 - 70mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Khu vực Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên của Bắc Bộ, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong ngày và đêm 11.9, dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15 - 30mm, cục bộ có nơi trên 80mm.
Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều và tối 11.9, dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chiều và tối 11.9, dự báo có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, ngày và đêm 12.9, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to.
Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét là cấp 1.
11h: Hà Nội hạn chế các phương tiện lưu thông trên tuyến đường 70
Sáng 11.9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo hạn chế các phương tiện lưu thông trên tuyến đường 70, đoạn qua UBND phường Phúc La và nút giao Phúc La - Cầu Bươu (quận Hà Đông, TP Hà Nội). Sở Giao thông Vận tải thông báo để các phương tiện chủ động lựa chọn lộ trình di chuyển cho phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông.
10h45: 126 trường học tại Hà Nội tạm dừng học trực tiếp
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến 9h sáng 11.9, toàn thành phố hiện có 126 trường tạm dừng đón học sinh học tập trực tiếp tại trường do ảnh hưởng của mưa lớn.
So với hôm qua 10.9, số trường nghỉ học tăng gần 10 đơn vị. Hiện tại nhiều trường trên địa bàn thành phố đã thông báo chuyển từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến.
9h50: Giá rau xanh tăng gần gấp đôi
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động ngày 11.9 tại một số chợ truyền thống tại khu vực Cầu Giấy, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm (Hà Nội), giá bán các loại thịt, cá không có nhiều biến động. Tuy nhiên, giá các loại rau xanh có chiều hướng tăng lên.
Đơn cử, tại chợ Mễ Trì Thượng giá rau cải ngọt từ 20.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg; rau dền tăng 2.000 đồng lên 17.000 đồng/mớ; bắp cải tăng 5.000 đồng lên 20.000-25.000 đồng/cái; cà chua 35.000 đồng/kg, rau muống tăng từ 8.000-10.000 đồng lên 20.000-25.000 đồng/mớ...
Theo chị Nguyễn Thị Liên - tiểu thương tại chợ Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm, Hà Nội), ngay từ những ngày trước bão, giá rau xanh đã tăng nhẹ do xu hướng tích trữ của người dân. Sau bão, nguồn cung khó khăn nên giá rau xanh tiếp tục tăng.
"Sau bão, trời mưa to gây ra ngập úng ở nhiều địa phương. Ảnh hưởng của bão lại thêm mưa to dẫn đến việc rau xanh dập hỏng ở nhiều nhà vườn nên việc vận chuyển và nhập hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Trong mấy ngày tới, giá rau nhập ở chợ đầu mối sẽ tăng vì nhiều nhà vườn bị thiệt hại hoa màu. Điều này dẫn đến giá thành của tiểu thương bán ở chợ như tôi cũng khó giảm vì sẽ bị lỗ vốn" - chị Liên cho biết.
9h30: Hà Nội sơ tán khẩn hàng nghìn dân
Lúc 23h30 ngày 10.9, mực nước lũ sông Hồng tại Long Biên lên 10,5m - mức báo động hai, Hà Nội phát cảnh báo đến 10 quận huyện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội ban bố lệnh báo động hai tại các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo lũ sông Hồng dâng cao có thể gây ngập ven sông, vùng trũng thấp, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân khu vực ngập lụt.
Mức báo động một trên sông Hồng tại Long Biên (Hà Nội) là 9,5m; báo động hai là 10,5m; báo động ba là 11,5m. TP Hà Nội cho biết tính từ năm 2008 đến nay sông Hồng mới lên cao ở mức này nên người dân có thể chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chính quyền có thể bị động.
Trước tình trạng nước lũ sông Hồng lên mức báo động hai, ngay từ đêm 11.9, nhiều quận huyện của Thành phố Hà Nội đã di dời các hộ dân đến nơi an toàn.
9h: Đóng toàn bộ cửa xả đáy thủy điện Hòa Bình
Sáng 11.9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Hòa Bình.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29.6.2024 của Chính phủ về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp và Công điện số 6738/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 11.9.2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy còn lại vào hồi 9h00 ngày 11.9.2024.
Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
Thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; không để người dân đến những khu vực có nguy cơ sạt lở, công trình đang thi công, tránh những thiệt hại đáng tiếc.
Báo cáo kịp thời các tình huống bất thường về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Như vậy khi đóng nốt một cửa xả đáy còn lại vào 9h sáng nay, hồ thủy điện Hòa Bình chính thức đóng toàn bộ cửa xả đáy.
Không chỉ đóng cửa xả đáy thủy điện Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 08h00 ngày 11.9.2024.
Được biết hồi 06h00 ngày 11.9.2024, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở cao trình 117,95m, lưu lượng đến hồ 3.280m3/s, lưu lượng xả 4.346m3/s.
Bộ cũng yêu cầu tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
8h25: Mưa lan rộng khắp Hà Nội
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong 3 giờ qua, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy vùng mây đối lưu từ phía khu vực Bắc Ninh có xu hướng di chuyển và mở rộng về phía thành phố Hà Nội.
Trong bản tin mới nhất phát đi hồi 8h, cơ quan khí tượng cảnh báo, khoảng 20 phút đến 3 giờ tới, những ổ mây đối lưu này trước tiên gây mưa rào và dông cho khu vực Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, sau đó tiếp tục mở rộng lan sang các quận nội thành khác của thành phố Hà Nội như Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên... Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Những khu vực trọng tâm nguy cơ ngập lụt ở Hà Nội là bãi giữa, ven sông Hồng thuộc các quận: quận Tây Hồ, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Gia Lâm.
Về tình hình thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3.
Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
8h20: Kiểm tra, phân loại tất cả các cây cầu ở Hà Nội
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản về việc tổ chức triển khai thực hiện Công điện số 14/CĐ-UBND ngày 10.9 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về tăng cường công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn khai thác các công trình cầu trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, kiểm tra, phân loại xác định ngay các công trình cầu hiện hữu có nguy cơ mất an toàn giao thông (đặc biệt là cầu yếu, cầu tạm, cầu phao) thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp để quyết định ngay việc tạm dừng khai thác hoặc hạn chế phương tiện lưu thông qua cầu. Điều này nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện cũng như bản thân công trình trong điều kiện chịu tác động ảnh hưởng sau cơn bão số 3 và thực trạng mực nước trên các tuyến sông đang dâng cao như hiện nay.
Đồng thời, cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời danh mục các công trình cầu tạm dừng khai thác hoặc hạn chế phương tiện lưu thông qua cầu để phối hợp đánh giá, lên phương án xử lý cũng như phối hợp tổ chức thông báo phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông phục vụ người dân đi lại.
Chủ động xử lý, báo cáo lực lượng chức năng trong việc trục vớt các vật trôi dạt trên sông có nguy cơ va xô, mắc kẹt vào các mố trụ cầu làm ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như làm mất an toàn công trình.
Song song với việc tổng hợp danh mục đầu tư mới, cải tạo sửa chữa lớn sử dụng vốn đầu tư công, ưu tiên tổng hợp ngay danh mục các công trình cầu hiện hữu cần cải tạo sửa chữa ngay nhằm duy trì hoạt động gửi về Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính xong trước ngày 20.9 để báo cáo UBND TP Hà Nội.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm gây mất an toàn giao thông theo thẩm quyền trong đó tập trung xử lý các vi phạm về tải trọng phương tiện đối với các công trình cầu đang hạn chế tải trọng. Phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo an toàn giao thông các công trình cầu vượt sông do Bộ Giao thông Vận tải quản lý trên địa bàn thành phố.
Phối hợp với Công an TP Hà Nội, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác tổ chức phân luồng giao thông tại các cầu tạm dừng hoạt động khai thác trên địa bàn thành phố (nếu có).
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác tuần đường để kịp thời phát hiện các hư hỏng, dấu hiệu hư hỏng và các hành vi vi phạm gây hư hỏng, ảnh hưởng đến kết cấu công trình cầu trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý, đặc biệt lưu ý đối với các công trình cầu lớn qua sông Hồng, sông Đáy, sông Cà Lồ (cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì...) để kịp thời báo cáo về Sở Giao thông Vận tải...