• :
  • :

Thêm một khu vực động đất liên hoàn, cảnh báo nguy cơ địa chấn dữ dội

Đợt động đất liên hoàn lớn nhất vừa được ghi nhận tại núi lửa Rainier (bang Washington, Mỹ) kể từ năm 2009.

Thêm một khu vực động đất liên hoàn, cảnh báo nguy cơ địa chấn dữ dội

Động đất liên hoàn ở khu vực núi lửa Rainier (Mỹ) ngày 8.7.2025. Ảnh: USGC

Ngày 8.7, các nhà khoa học tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ghi nhận đợt động đất liên hoàn lớn nhất tại núi lửa Rainier (bang Washington) kể từ năm 2009, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ hoạt động địa chất bất thường dưới lòng đất.

Theo USGS, đợt động đất bắt đầu từ 1h29 sáng 8.7 (giờ địa phương), với hàng trăm dư chấn nhỏ được ghi nhận chỉ trong vài giờ, trận lớn nhất có cường độ 1,7 độ richter. Dữ liệu được cung cấp từ Mạng lưới địa chấn Tây Bắc Thái Bình Dương (PNSN).

Mặc dù hiện chưa có dấu hiệu cho thấy một vụ phun trào núi lửa sắp xảy ra, USGS cho biết đợt động đất liên hoàn này nhiều khả năng liên quan đến chuyển động của chất lỏng thủy nhiệt bên dưới đỉnh núi, tương tác với các đứt gãy địa chất đã tồn tại từ trước. Đây là hiện tượng từng xuất hiện trong quá khứ tại núi Rainier.

Động đất bắt đầu từ 1h29 sáng 8.7 (giờ địa phương), với hàng trăm dư chấn nhỏ được ghi nhận chỉ trong vài giờ. Ảnh: PNSN
Động đất bắt đầu từ 1h29 sáng 8.7 (giờ địa phương), với hàng trăm dư chấn nhỏ được ghi nhận chỉ trong vài giờ. Ảnh: PNSN

Trong thông báo chính thức, USGS khẳng định: “Chưa có thay đổi nào khác ghi nhận tại núi lửa ở thời điểm này. Núi Rainier hiện vẫn được giám sát chặt chẽ thông qua mạng lưới thiết bị đo địa chấn, GPS, webcam và cảm biến hạ âm".

Trạng thái cảnh báo của núi lửa vẫn duy trì ở mức “xanh/bình thường”.

Rainier là núi lửa có hoạt động địa chấn mạnh thứ hai trong dãy núi Cascade ở miền Tây nước Mỹ. Dù chưa từng xảy ra vụ phun trào lớn nào trong 500 năm qua, nó vẫn được USGS đánh giá là núi lửa có tiềm năng nguy hiểm nhất do có chiều cao lớn, hệ thống sông băng rộng, thường xuyên xuất hiện động đất và có hệ thống thủy nhiệt đang hoạt động mạnh.

Mỗi năm, các nhà khoa học phát hiện vài trăm trận động đất nhỏ xung quanh khu vực núi Rainier. Dù những trận động đất này không trực tiếp gây thiệt hại lớn, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về chuyển động của magma dưới lòng đất - dấu hiệu then chốt để dự đoán nguy cơ phun trào.

USGS cho biết khi có hiện tượng địa chấn bất thường, các chuyên gia sẽ sử dụng các thiết bị chuyên dụng để theo dõi chặt chẽ tình hình, bao gồm biến dạng mặt đất, chấn động địa tầng và các biểu hiện bất ổn khác của núi lửa. Những dữ liệu này là cơ sở để đưa ra cảnh báo sớm nếu có nguy cơ phun trào thực sự.

Về mặt chuyên môn, động đất liên hoàn không đồng nghĩa với một vụ phun trào sắp xảy ra. Tuy nhiên, nếu hệ thống magma sâu bên dưới có dấu hiệu tiếp nhận nguồn vật chất mới, các dạng địa chấn phức hợp hơn - bao gồm động đất do chuyển dịch magma - có thể xuất hiện. Đây từng là dấu hiệu cảnh báo sớm trong vụ phun trào kinh hoàng tại núi St. Helens năm 1980, khiến 57 người thiệt mạng.

Bang Washington hiện có 5 núi lửa lớn thuộc dãy Cascade: Baker, Glacier Peak, Rainier, St. Helens và Adams. Theo đánh giá rủi ro năm 2018 của USGS, cả 5 đều nằm trong nhóm "rất nguy hiểm" hoặc "nguy hiểm cao".

Toàn nước Mỹ hiện có khoảng 170 núi lửa có khả năng hoạt động trở lại.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...