• :
  • :

Bóng chuyền nữ Việt Nam và bài toán về sự đầu tư

Bóng chuyền nữ Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tại đấu trường châu Á. Từ những giải đấu quốc tế, chúng ta mới hiểu sự cần thiết về đầu tư trong bóng chuyền.

Bóng chuyền nữ Việt Nam và bài toán về sự đầu tư

Đội LPB Ninh Bình tại Giải bóng chuyền các câu lạc bộ nữ châu Á 2024. Ảnh: AVC

Bóng chuyền nữ Việt Nam không yếu

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã tham dự Giải các câu lạc bộ nữ châu Á 2023 (dưới tên gọi Sports Center 1) và vô địch. Bây giờ, chúng ta có đại diện nữ là LPB Ninh Bình dự Giải các câu lạc bộ nữ châu Á 2024 và đạt ngôi á quân. Năm ngoái, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã xếp hạng tư ở giải vô địch châu Á 2024 rồi tiếp tục đạt vị trí hạng tư tại ASIAD 19.

Tính về các kết quả chuyên môn như thế đã phản ánh, bóng chuyền nữ Việt Nam không yếu ở bình diện châu Á. Đặc biệt, trong giải bóng chuyền nữ của châu Á là AVC Challenge Cup các năm 2023, 2024, Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đều vô địch.

Trên sân đấu Giải các câu lạc bộ nữ châu Á 2024 vừa qua ở Thái Lan, cầu thủ LPB Ninh Bình, Hóa chất Đức Giang Lào Cai là những đại diện ưu tú nhất ở cấp độ câu lạc bộ thể hiện được dấu ấn chuyên môn cho bóng chuyền nữ Việt Nam.

Tuy vậy, việc đội bóng (ở cấp độ câu lạc bộ) sẵn lòng đăng ký tham dự giải để quyết tâm có sự thay đổi chuyên môn là cho thấy sự tự tin của nhà quản lý đội bóng đó.

Nếu có đầu tư, cơ hội phát triển là khả quan

Đại diện ban huấn luyện đội nữ LPB Ninh Bình chia sẻ rằng, khi dự giải cấp độ châu Á này, chúng ta mới thấy việc đầu tư của bóng chuyền nữ tại Việt Nam còn thấp hơn so với các đội bóng ở cùng châu lục chứ chưa nói đến thế giới.

Đội nữ NEC Red Rockets Kawasaki (Nhật Bản) - đội thắng LPB Ninh Bình tại chung kết - là minh chứng cụ thể về sự đầu tư đầy đủ. Tính riêng đội ngũ ban huấn luyện đi làm việc, đội bóng này đăng ký 8 người, trong đó có chuyên gia vật lý trị liệu, thể lực, nhân sự phân tích dữ liệu, lãnh đội... Đội đại diện chủ nhà là Nakhon Ratchasima QimC (Thái Lan) cũng bố trí nhân sự như vậy cho đội bóng chuyền của mình.

“Vai trò của huấn luyện viên trưởng là người chỉ đạo chuyên môn và những người trong ban huấn luyện là phụ trợ, làm việc tốt nhất cho đội bóng. Chính việc bố trí đầy đủ người trong ban huấn luyện như vậy đã giúp công tác chỉ đạo tốt hơn”, giám sát chuyên môn của giải đấu đã trao đổi.

Lần tham dự này, đội LPB Ninh Bình có ban huấn luyện chỉ gồm 4 thành viên để quán xuyến các công việc chuyên môn. Đội nữ Hóa chất Đức Giang Lào Cai cũng chỉ đăng ký 4 thành viên trong ban huấn luyện. Cả hai đội bóng không có thành viên tham gia công tác ghi hình, làm phân tích dữ liệu.

Từng đơn vị địa phương và bản thân Đội tuyển bóng chuyền Việt Nam hoàn toàn nắm được điểm cần thiết về nhân sự trong đội bóng của mình. Cái khó nhất vẫn là kinh phí. Các đội bóng chuyền nữ của Việt Nam hoặc bóng chuyền Việt Nam nói chung chưa hoàn thiện được hết. Hai đội bóng LPB Ninh Bình và Hóa chất Đức Giang Lào Cai đang là những đội được hưởng chế độ tốt nhất từ đơn vị chủ quản dành cho cầu thủ.

Hiện tại, đội nữ Hóa chất Đức Giang Lào Cai đang là đội duy nhất ở Việt Nam do một ông chủ tự bỏ chi phí xây dựng, đầu tư (doanh nhân Đào Hữu Huyền). Phần nào, họ biết sự đầu tư cơ bản nhất. Tuy thế, làm sao để đầy đủ nhất về đầu tư cho một đội bóng chuyền sẽ cần thời gian phía trước trả lời. Chưa có con số cụ thể nào được đưa ra từ bất kể đơn vị nào về việc đầu tư cho một đội bóng chuyền, nhưng chắc chắn, con số lên tới tiền tỉ đồng/năm.

Bóng chuyền Việt Nam đang tìm hướng hoàn thiện hơn để đi lên con đường bán chuyên nghiệp. Để có được điều đó, sẽ cần nhiều yếu tố từ các giải pháp thi đấu có tính chuyên nghiệp, có nguồn lực tài trợ, có bản quyền truyền hình, có quảng cáo... Từng đội tham dự giải bóng chuyền trong nước là hạt nhân làm nên thành công cho bóng chuyền Việt Nam nói chung. Khi tất cả làm tốt kinh tế thể thao với nguồn tài chính ổn định thì đội bóng được đầu tư đầy đủ, từ đó bóng chuyền Việt Nam nói chung phát triển hơn.

Lượt xem: 3
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...