• :
  • :

Những lợi ích khi tuyển quốc gia thi đấu ở các địa phương

Trong đợt FIFA Days tháng 6, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam có 2 trận giao hữu gặp Hong Kong (Trung Quốc) và Syria. Đáng chú ý, 2 trận đấu được tổ chức trên sân Lạch Tray ở Hải Phòng và Thiên Trường ở Nam Định. Sắp xếp các trận đấu của đội tuyển bóng đá quốc gia ở nhiều địa phương là vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc.

Những lợi ích khi tuyển quốc gia thi đấu ở các địa phương

Khán giả trên sân Thiên Trường cổ vũ đội tuyển Việt Nam trong trận gặp Syria. Ảnh: Minh Dân

Những hiệu ứng tích cực

Ngoài kết quả thắng cả 2 trận (cùng tỉ số 1-0), việc đưa đội tuyển về các địa phương thi đấu là một ý tưởng đáng để Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như bóng đá nội lưu tâm.
Kể từ khi sân Mỹ Đình hoàn thành và được đưa vào sử dụng, các trận đấu của đội tuyển quốc gia hầu hết đều tổ chức tại đây - dễ hiểu vì đây là sân vận động quốc gia, với sức chứa lớn nhất trong cả nước. Cũng chỉ thi thoảng đội tuyển thi đấu tại TP Hồ Chí Minh khi có giải đấu tổ chức.
Ở đây, VFF là đơn vị đã tự chủ tài chính, nghĩa là phải huy động tài chính bằng cách xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp. Do đó, họ cần tìm kiếm nguồn thu để đảm bảo việc trả tiền thuê sân Mỹ Đình (khoảng 800 triệu/trận). VFF có các nguồn doanh thu từ bản quyền truyền hình cũng như tiền bán vé, nên đội tuyển thi đấu ở sân có sức chứa 40.000 chỗ ngồi là sự đảm bảo nhất định về lợi ích cho các bên - VFF, nhà tài trợ, quảng cáo, đơn vị mua bản quyền truyền hình cũng như người hâm mộ.
Tuy nhiên, sân Mỹ Đình vướng vào những khúc mắc tài chính, với những hình ảnh không đẹp về mặt sân cũng như cơ sở vật chất. Mặc dù vẫn có thể thuê để tổ chức các trận đấu quốc tế của đội tuyển quốc gia tại đây nhưng theo nhiều đánh giá, VFF nên đi theo hướng tổ chức ở nhiều địa phương.
Trên thực tế, những năm gần đây, VFF đã tổ chức cho các đội tuyển về các sân như Cẩm Phả, Vũng Tàu, Quy Nhơn để tập luyện, nhưng có thể nói, 2 trận giao hữu gần đây mới là bước đi thử nghiệm quan trọng để có thể thực hiện phương án đưa đội tuyển về thi đấu tại các địa phương.
Có thể thấy, ban tổ chức sân Lạch Tray và Thiên Trường đã rất nỗ lực chuẩn bị để đội tuyển đến sân thi đấu với hình ảnh đẹp nhất có thể, để lại dấu ấn với đội khách quốc tế. Có những lo ngại về chuyện các sân bóng ở địa phương có sức chứa không quá lớn, làm hạn chế nhu cầu của người hâm mộ, đồng thời có thể tác động đến nhà tài trợ vì thương hiệu không được lan tỏa.
Trong khi đó, với các địa phương, các câu lạc bộ, để được đưa vào diện có thể cân nhắc tổ chức trận đấu của đội tuyển quốc gia, hẳn nhiên, họ sẽ phải có sự đầu tư, chăm chút vào cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng, mặt cỏ đáp ứng điều kiện thi đấu cấp quốc tế. Sau khi đội tuyển thi đấu, chính câu lạc bộ ở địa phương và cầu thủ của họ được thi đấu trên mặt sân đẹp, góp phần nâng cao thành tích.
Ngay việc VFF thuê sân để tổ chức cũng mang về cho ban tổ chức sân một khoản tài chính không nhỏ. Chưa kể sự kiện tổ chức ở địa phương cũng sẽ thu hút khách du lịch, người hâm mộ từ nhiều nơi khác đổ về làm tăng tính quảng bá cũng như nhiều hoạt động kinh doanh liên quan…

Cần có chủ trương thay vì tùy hứng

Tất nhiên, sẽ chưa thể thực hiện phương thức này trên cả nước trong tương lai gần, khi điều kiện cơ sở vật chất tại các sân bóng cũng như điều kiện tài chính của câu lạc bộ, địa phương chưa ổn. Cần thời gian để tìm nguồn vốn, đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp, thậm chí xây mới sân bóng đạt điều kiện.
Nhưng để có thể bước vào hành động, VFF cần đánh giá và sự xác nhận về chủ trương. Vấn đề này sẽ không thể thực hiện tùy hứng, hoặc địa phương nào thích thì đề xuất.
Theo lịch của FIFA, mỗi năm có 5 đợt tập trung đội tuyển quốc gia (vào các tháng 3, 6, 9, 10, 11), nếu tận dụng hết, đội tuyển quốc gia sẽ có ít nhất 10 trận đấu, đủ để tổ chức ở các khu vực sân trải dài trong cả nước. Kể cả đội tuyển bóng đá nữ cũng vậy, với những hiệu ứng mạnh mẽ.

Lượt xem: 3
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết