• :
  • :

Saudi Arabia đang định vị biên giới mới của bóng đá

Saudi Arabia Pro League đang dùng tiền để khẳng định vị trí của mình trên bản đồ bóng đá thế giới...

Saudi Arabia đang định vị biên giới mới của bóng đá

Cristiano Ronaldo sẽ là Lionel Messi. Ảnh: The Athletic

Sau Cristiano Ronaldo có thể là Lionel Messi

Khi sự nghiệp của một cầu thủ bóng đá nổi tiếng bước vào giai đoạn hoàng hôn, cầu thủ đó thường phải đưa ra một quyết định quan trọng.

Họ có nghỉ hưu không? Quay trở lại câu lạc bộ đã mang đến cho họ trận ra mắt trong một lần cuối cùng đầy cảm xúc? Đảm nhận vai trò huấn luyện? Hoặc, có lẽ, họ có một lựa chọn thứ tư: tận dụng cơ hội để ra nước ngoài, chơi ở một giải đấu dưới trình độ của họ nhưng tăng tài khoản ngân hàng rất nhiều?

Điều này đã xảy ra với Cristiano Ronaldo vào tháng Giêng. Sau khi trở lại khoác áo Manchester United lần thứ hai vào tháng 9.2021 rồi hợp đồng bị chấm dứt khoảng 14 tháng sau đó, tiền đạo hiện 38 tuổi đã chọn chuyển đến Al Nassr của Saudi Arabia. Đội bóng này đã 9 lần vô địch giải quốc nội, có trụ sở tại thủ đô và thành phố lớn nhất của quốc gia vùng Vịnh, Riyadh.

Ronaldo đã ký hợp đồng 2 năm rưỡi trị giá 177 triệu bảng (220 USD/năm), điều mà - nói một cách thẳng thắn - không câu lạc bộ châu Âu nào đáp ứng ở độ tuổi của anh. Nó tương đương với gần 3,5 triệu bảng mỗi tuần.

Giờ đây, Lionel Messi, đối thủ tranh Quả bóng vàng lâu năm của Ronaldo, có thể cũng đến Saudi Arabia sau khi hợp đồng với Paris Saint-Germain hết hạn vào mùa hè.

Huyền thoại của Barcelona, người đã vô địch World Cup cùng Argentina vào tháng 12 và bước sang tuổi 36 chỉ sau 1 tháng nữa, nhận được lời đề nghị trị giá gấp đôi Ronaldo - hơn 350 triệu bảng mỗi năm, hay 6,7 triệu bảng mỗi tuần - từ một câu lạc bộ khác của Riyadh, 18 lần vô địch  Al Hilal. Cũng như của Ronaldo, không đội nào ở châu Âu hay Major League Soccer (MLS của Mỹ) có thể bắt kịp. Cha của Messi, ông Jorge, tuần trước cho biết, con trai ông chưa đồng ý bất cứ điều gì về tương lai của mình.

 Biên giới mới của bóng đá? 

Nhưng dù Messi có theo Ronaldo hay không, thì có một điều chắc chắn: Saudi Arabia đang định vị mình là biên giới mới của bóng đá.

Phấn khích trước chiến thắng 2-1 ở vòng bảng World Cup của đội tuyển quốc gia trước Argentina vào tháng 11, và Newcastle United - được sở hữu phần lớn bởi Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia - quốc gia này đang sử dụng thể thao như một phương tiện để khẳng định mình trên toàn cầu.

Tại sao Saudi Arabia lại làm điều này? Có thể vì nhiều lí do, nhưng cũng phải thấy rằng, họ đã nỗ lực vươn lên để trở nên nổi bật hơn trong bóng đá thế giới.

Các câu lạc bộ trên khắp châu Âu giờ đây có thể coi Saudi Pro League và các nguồn tài nguyên khổng lồ của nó như một “bãi rác” của luật công bằng tài chính (FFP); một ngôi nhà chào đón các cầu thủ với mức lương mà phương Tây không muốn trả, hoặc không còn muốn trả để họ có thể tuân thủ các quy định tài chính của bóng đá.

Trong khi nhiều người sẽ phản đối mức lương quá cao mà các câu lạc bộ Saudi Arabia dường như quyết tâm chi trả, thì sẽ có những người khác coi đây là một con đường để giảm gánh nặng, đẩy đi những cầu thủ không mong muốn.

Thủ môn của Tottenham, Hugo Lloris là cầu thủ mới nhất được cho là có liên hệ với mức lương 300.000 bảng/tuần tới quốc gia Trung Đông này. Sergio Busquets của Barcelona, 34 tuổi, nằm trong kế hoạch của Al Hilal giúp anh tái hợp Messi, trong khi cũng có tin họ đang thảo luận với một cầu thủ Barcelona khác là Jordi Alba, cũng 34 tuổi.

Bộ đôi của Real Madrid, Karim Benzema - 35 tuổi và Luka Modric - 37 tuổi; Neymar, 31 tuổi của PSG và Pepe 40 tuổi của Porto trong số những mục tiêu khác - phản ánh tầm cỡ của cầu thủ mà Saudi League muốn.

Sau Cristiano Ronaldo sẽ là Lionel Messi và các ngôi sao khác đến Saudi Arabia  chơi bóng? Ảnh: The Athletic

Sau Cristiano Ronaldo sẽ là Lionel Messi và các ngôi sao khác đến Saudi Arabia chơi bóng? Ảnh: The Athletic

Công bằng tài chính không được thực thi ở đó, vì vậy các câu lạc bộ sẽ không lo lắng về việc tuân thủ các quy tắc đang hạn chế các đối tác châu Âu của họ có thể chi tiêu. Nhưng nếu nghĩ rằng, chỉ có các câu lạc bộ của Saudi Arabia thúc đẩy việc ký hợp đồng với các cầu thủ ngôi sao thì thật là ngây thơ.

“Đây không phải là đường một chiều”, một nguồn tin quen thuộc với giải đấu cho biết, “Các đại diện ở khắp các câu lạc bộ tại Saudi Arabia, vì vậy đây không phải là việc họ ném mình vào thế giới. Nó đi theo cả 2 chiều”.

Nhiều đại diện đã nói với The Athletic rằng, họ đang cố gắng xây dựng mối quan hệ với các câu lạc bộ ở Saudi Arabia, một số nghĩ rằng họ có thể tăng gấp đôi lương cho cầu thủ của mình và đảm bảo các hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, một người đại diện khác, người có cầu thủ đã kiếm được gần 100.000 bảng mỗi tuần, tin rằng sẽ là một thành tích khi có mức lương phù hợp ở Trung Đông, nhận ra rằng các câu lạc bộ ở đó sẽ không rơi vào cái bẫy trả lương cắt cổ cho mọi người.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, việc chuyển đến Saudi Arabia có thể rất thuận tiện cho tất cả những người có liên quan.

Không thể kéo dài mãi

Saudi sẽ chỉ ra những gì họ đã đạt được về mặt cạnh tranh tại World Cup và mức độ hâm mộ bóng đá của quốc gia, nơi 70% dân số ở độ tuổi dưới 35.

Theo số liệu ở Saudi Arabia, số người tham dự các trận đấu bóng đá của nước này đã tăng gấp đôi so với năm trước kể từ khi Ronaldo đến vào tháng Giêng. Lượng khán giả đến xem các trận đấu của Al Nassr, bao gồm cả các trận sân nhà và sân khách, tăng 143% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Khi bạn nói chuyện với các câu lạc bộ, người ta chú trọng nhiều đến tài năng và sự phát triển của giải đấu”, đại diện một đội bóng của Saudi Pro League cho biết, “Họ muốn biết cách làm cho các cầu thủ của mình trở nên tốt hơn, cho dù đó là gửi họ đến châu Âu cho mượn hay đưa họ vào các học viện ở châu Âu, cách họ có thể cải thiện khoa học thể thao và huấn luyện của mình.

Kéo Messi vào giải đấu của họ là một bài tập PR và đến một lúc nào đó nó phải dừng lại. Các cầu thủ sẽ phải tiếp tục phát triển, không phụ thuộc vào những cầu thủ ở đỉnh cao thương hiệu của họ, bởi vì họ (Saudi Arabia) chỉ đang lãng phí tiền bạc.

Xu hướng lôi kéo các ngôi sao sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa, khi Saudi Arabia muốn phô trương thanh thế cho cơ hội đăng cai World Cup 2030. Đổi lại, nhiều câu lạc bộ ở châu Âu sẽ rất vui khi bán cầu thủ cho Saudi Arabia, đặc biệt nếu họ có thể thu được khoản phí chuyển nhượng đáng kể và giảm hóa đơn tiền lương.