Thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam chờ thay đổi diện mạo
Nguồn tiền thu được từ thị trường chuyển nhượng là cơ sở để các câu lạc bộ Việt Nam phát triển đào tạo cầu thủ trẻ cũng như nâng tầm nội lực khi tham dự hệ thống giải chuyên nghiệp quốc gia.
Thị trường chuyển nhượng tại V.League vẫn cần thay đổi diện mạo. Ảnh: Minh Dân
Mắt xích quan trọng
Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 tập trung nhiều nội dung liên quan đến xây dựng và nâng tầm nội lực. Việc phát triển bóng đá cả về diện rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt chú trọng đến tuyển chọn, đào tạo và sử dụng cầu thủ tài năng mang tính kế thừa chính là yếu tố cốt lõi của đề án.
Tất nhiên, để bám sát các mục tiêu trong hai giai đoạn trải dài 20 năm tới, nguồn lực tài chính cần phải đa dạng hóa, đồng thời đảm bảo tính liên tục trong từng thời điểm thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ngân sách Nhà nước và nhà tài trợ, bản thân các đội bóng cũng cần tự tạo nên dòng tiền đảm bảo quá trình hoạt động xuyên suốt, tránh phụ thuộc vào nguồn lực địa phương. Một trong số đó chính là ngân sách đến từ thị trường chuyển nhượng cầu thủ.
Theo thời gian, các đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam bắt đầu chú trọng về khoản tiền có thể thu về từ việc bán cầu thủ. Mới nhất, một câu lạc bộ đã thu về trên dưới 20 tỉ đồng từ việc đồng ý cho 3-4 cầu thủ đầu quân một đội bóng khác. Khoản tiền này được đưa vào ngân sách hoạt động cả mùa giải, bên cạnh những hạng mục đầu tư đến từ nhà tài trợ, bản quyền truyền hình...
Ngoài hình thức này, các đội cũng thực hiện trao đổi cầu thủ, cộng thêm thương lượng về tài chính nhằm đảm bảo sự tương xứng trên bàn đàm phán, qua đó tạo nên dòng chảy sôi động hơn trên các “phiên chợ bóng đá” tại Việt Nam.
Thị trường chuyển nhượng là một mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển bóng đá Việt Nam. Yếu tố này tạo động lực để các đội bóng tích cực hơn trong việc phát triển cầu thủ trẻ cũng như thu về một khoản tiền không nhỏ từ việc “sang tên” tài năng cho câu lạc bộ khác.
Chờ chuyên nghiệp hơn
Đánh giá tầm ảnh hưởng và tiềm năng lớn của thị trường chuyển nhượng, Đề án phát triển bóng đá Việt Nam hướng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 vạch ra mục tiêu cho 2 giai đoạn cụ thể. Theo đó, trong vòng 5 năm tới, bóng đá Việt Nam cần hình thành, mở rộng thị trường kinh doanh dịch vụ bóng đá và thị trường chuyển nhượng cầu thủ bóng đá.
Từ giai đoạn 2030 đến 2045, thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, thị trường chuyển nhượng cầu thủ cần phát triển ở mức độ cao, đa dạng hóa các nguồn thu cho hoạt động bóng đá chuyên nghiệp phục vụ phát triển. Hướng tới mục tiêu cho 2 giai đoạn trên, Đề án cũng đưa ra nhiệm vụ cần phát triển thị trường chuyển nhượng cầu thủ, huấn luyện viên chuyên nghiệp...
Đi sâu hơn vào câu chuyện mua sắm cầu thủ từ phía các đội bóng. Hai nút thắt để tạo ra sức bật trên thị trường nằm ở thời hạn hợp đồng và khát vọng đến từ các bên. Hiện tại, cầu thủ Việt Nam phải trải qua thời hạn hợp đồng khá dài với câu lạc bộ đào tạo. Thay vì được quyền tham gia chuyển nhượng và ký hợp đồng chuyên nghiệp từ năm 18 tuổi như các cầu thủ khác trên thế giới, nhiều ngôi sao có tên tuổi như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… phải chờ đợi đến năm 25-27 tuổi để kết thúc các điều khoản cống hiến hay giao ước đào tạo trẻ.
Vô hình trung, các cầu thủ bỏ qua cơ hội có thể chuyển sang câu lạc bộ khác, thậm chí là xuất ngoại. Tham vọng và sự cầu thị của đại đa số cầu thủ Việt Nam cũng vì thế mà ảnh hưởng đáng kể. Nguyễn Hoàng Đức đã từng lựa chọn đầu quân cho Ninh Bình (thời điểm đó đá giải hạng Nhất) thay vì đến Thái Lan, Nhật Bản chơi bóng.
Bản thân các câu lạc bộ cũng chưa cởi mở trong việc chuyển nhượng các cầu thủ từ 18-23 tuổi. Thông thường, những thương vụ chỉ diễn ra theo hình thức cho mượn kèm theo một số điều khoản như trả lương, lót tay hay mua đứt nếu thời hạn hợp đồng giữa các bên liên quan chỉ còn 1-2 năm.
Vậy nên, thị trường chuyển nhượng Việt Nam chỉ thực sự diễn ra sôi động khi cầu thủ đã bước sang tuổi từ 25-27. Trong khi đó, lực lượng U23 có sức chiến đấu cao, vốn nhận được nhiều sự chú ý từ các câu lạc bộ trong và ngoài nước, có tiềm năng tạo giá trị về chuyển nhượng lại không hiện diện rõ rệt trên thị trường.