Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị cho phép 800 xe đầu kéo của doanh nghiệp vận chuyển than đá từ Lào về cảng Chân Mây - Thừa Thiên Huế được lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn như trước đây.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn có kiến nghị tạo điều kiện cho 800 xe đầu kéo của doanh nghiệp vận chuyển than đá từ Lào về cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) được lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Công ty Hoành Sơn cho hay vận chuyển than đá từ Lào để cung cấp cho Công ty Đông Bắc và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sản xuất điện, khắc phục thiếu điện vào mùa nắng nóng.
Cao tốc Cam Lộ- La Sơn (Ảnh: Thành Long) |
Trước đó, Cục đường bộ vừa phân luồng không cho xe tải, xe công trên 6 trục, xe khách trên 30 chỗ đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Do đó, 800 xe đầu kéo của Công ty Hoành Sơn vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam vào cảng Chân Mây gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao tai nạn giao thông khi phải lưu thông xuống Quốc lộ 1A. Để giảm áp lực lên quốc lộ 1, đồng thời đáp ứng thời gian giao hàng cho đối tác, nhất là cao điểm mùa khô, Hoành Sơn đề nghị Cục đường bộ cho phép xe tải từ 6 trục vận chuyển than đá được lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn như trước đây.
Năm 2023, Hoành Sơn vận chuyển gần 3 triệu tấn than đá, đóng thuế nhập khẩu 384 tỉ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động ở Lào và Việt Nam. Năm 2024, công ty ký kết hợp đồng vận chuyển 5 triệu tấn than từ Lào về Việt Nam.
Trong năm 2024, công ty ký kết hợp đồng vận chuyển 5 triệu tấn than từ Lào qua cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng Chân Mây. Với khối lượng hàng lớn như vậy, mỗi ngày sẽ có hàng trăm lượt xe đầu kéo phải lưu thông trên quốc lộ 1A sau quyết định phân luồng.