• :
  • :

90 ngày thực hiện tuyên truyền, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội huyện Điện Biên Đông chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

9 tháng đầu năm 2022, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên số người tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, chưa đạt kế hoạch UBND tỉnh giao.

Để đạt được tỷ lệ bao phủ về bảo hiểm xã hội trên địa bàn huyện theo mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 17/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Phấn đấu số người tham gia bảo hiểm xã hội trong 3 tháng cuối năm đạt tỷ lệ 9% so với lực lượng lao động và chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện được giao là 380 người.

Để đạt được chỉ tiêu đề ra, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn triển khai một đợt cao điểm “90 ngày thực hiện tuyên truyền, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong quý VI năm 2022”.

90 ngày thực hiện tuyên truyền, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội
Công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách cải cách BHXH cho người dân được xác định là nhiệm vụ quan trọng

Theo đó, UBND huyện giao Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với Trung tâm y tế huyện, các cơ quan, UBND các xã, thị trấn, hệ thống nhân viên thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp qua các hội nghị, xử lý các vướng mắc ở cơ sở khi địa phương có yêu cầu, phản ánh. Chủ trì, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt bảo hiểm xã hội tự nguyện. Định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo UBND huyện kết quả thực hiện.

Thực hiện rà soát, thống kê số lượng người đang hưởng phụ cấp không thuộc diện tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tổng hợp báo cáo UBND huyện theo quy định; các trường hợp lao động là y tá bản, tổ dân cư, bà đỡ có phụ cấp tại các bản; người dân trong độ tuổi lao động có điều kiện về kinh tế và thu nhập ổn định, Bí thư chi bộ bản, Trưởng bản, Công an viên, Bản đội trưởng đội dân quân tự vệ, Trưởng ban mặt trận, Thú y viên xã, Khuyến nông và cộng tác viên xã, bản; người làm công tác bán chuyên trách được bố trí tại bản, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, các gia đình có con em đang làm việc tại các doanh nghiệp tỉnh ngoài . . . để phối hợp tuyên truyền vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đảm bảo mỗi xã vận động được từ 20-25 người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Phấn đấu hoàn thành sớm chỉ tiêu được giao.

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công của từng đơn vị, UBND huyện đã giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho Trung tâm Y tế huyện, UBND các xã, thị trấn, Bưu Điện huyện, Phòng Nội vụ huyện.

UBND huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện, đảm bảo theo nội dung kế hoạch.

Theo Bảo hiểm xã hội Điện Biên, mặc dù chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện mở ra cơ hội cho người lao động tự do, nông dân có cơ hội được hưởng lương hưu và hưởng bảo hiểm y tế miễn phí, song số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại tỉnh còn rất thấp.

Từ năm 2021, điều kiện về tuổi đời để được hưởng lương hưu mỗi năm tăng thêm nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gần gấp đôi so với số tham gia năm 2019, trong đó nữ giới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm gần 60%.

Như vậy, có thể thấy tỉ lệ nữ giới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cao hơn nam giới, nguyên nhân là do điều kiện tuổi đời để được hưởng lương hưu luôn thấp hơn nam giới, trong khi tuổi thọ bình quân của nữ giới cao hơn nam giới khoảng hơn 3 tuổi; nữ giới làm các công việc phi chính thức nhiều.

Nguyên nhân chính khiến số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp như: Nhà nước hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, thu nhập của đa số người dân còn thấp, không thường xuyên, thiếu ổn định, chưa có thói quen tham gia các hình thức bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Nhà nước….

Một số giải pháp được đề ra giúp người dân tăng việc tham gia bảo hiểm xã hội như điều chỉnh giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới xuống còn 10 năm; bổ sung quy định các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, linh hoạt như chế độ trợ cấp thai sản, ốm đau…

Lượt xem: 4
Tác giả: Ngọc Linh