Bãi đỗ xe bị khai tử, Hà Nội càng thiếu trầm trọng chỗ gửi xe
Việc nhiều dự án đầu tư bãi đỗ xe tại Hà Nội bị khai tử đã gây lo ngại về tình trạng thiếu bãi đỗ xe, vốn đã là vấn đề nan giải, sẽ ngày càng trở nên trầm trọng.
Khai tử bãi đỗ xe sau nhiều năm triển khai
Tình trạng thiếu bãi đỗ xe ở Hà Nội đang là một vấn đề mà hầu hết những người sở hữu ôtô quan tâm. Những tranh chấp, va chạm do vấn đề đỗ xe như chặn cửa hàng, cửa ra vào của các hộ kinh doanh, gia đình đã không còn hiếm gặp và cho thấy sự cần thiết của các bãi đỗ xe.
Ghi nhận của PV Báo Lao Động tại Khu đô thị Trung Văn (Hà Nội), việc thiếu nơi đỗ xe đang là câu chuyện khiến nhiều cư dân đau đầu. Anh Nguyễn Trung Kiên - đang sinh sống tại đây - cho biết, dù mua căn hộ chung cư ở đây đã được 5 năm nhưng đến nay hàng nghìn m2 đất dành để xây bãi đỗ xe, công viên thể thao đến nay chưa triển khai mà mới chỉ đang được quây tôn, rào chắn tạm. Thực tế này khiến vào những giờ cao điểm, xe ôtô ở đây thường nối thành hàng dài, tràn sang hai bên đường gây cản trở giao thông, khuất tầm nhìn.
Thế nhưng theo tìm hiểu của Lao Động, trước thực trạng này, rất nhiều dự án bãi đỗ xe tại Hà Nội vẫn đang chậm tiến độ hoặc bị khai tử. Đầu tháng 10.2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TP Hà Nội đưa ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động Dự án Xây dựng bãi đỗ xe tại khu đất C2-3/P2 phường Gia Thụy, quận Long Biên.
Nhà đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư NCX Hà Nội, có giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP Hà Nội cấp từ ngày 27.6.2011. Thế nhưng, tới tháng 6.2023, doanh nghiệp này gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động dự án lên Sở KHĐT. Theo đó, dự án xây dựng bãi đỗ xe này đã bị dừng hoạt động từ ngày 6.6.2023, với lý do: Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
Trao đổi với Lao Động, người dân sinh sống và làm việc gần khu đất dự kiến làm bãi đỗ xe tại phường Gia Thụy, quận Long Biên cho biết, khu vực này đã được phân cho dự án trong suốt nhiều năm nhưng không thấy khởi công xây dựng. Quyết định này của nhà đầu tư để lại một khu đất rộng lớn không được tận dụng, trong khi các khu vực gần đó vẫn đang phải đau đầu để giải bài toán về chỗ đỗ xe.
Năm 2011, UBND Hà Nội cũng phê duyệt "Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe để trung chuyển hàng hóa và đỗ xe tĩnh" tại ô đất A11/P2, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì do Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, sau 12 năm với nhiều lần xin gia hạn thực hiện, bãi đỗ xe này đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do đó, UBND quận Hoàng Mai chỉ cấp phép cho sử dụng tạm để trông giữ xe, đồng thời đều cấm hoạt động đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói sang tải và bảo quản hàng hóa tại khu vực này. Mặc dù vậy, ô đất trên vẫn bị sử dụng làm bãi trung chuyển hàng hóa, biến thành bến bãi xe tải, gây lộn xộn trong khu vực, khiến dư luận phản ánh và lực lượng chức năng quận Hoàng Mai phải vào cuộc xử lý.
Hà Nội đang quá tải xe cá nhân
Việc các dự án bãi đỗ xe chậm tiến độ, bị khai tử hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân tại khu vực đó. Trong khi đó, hàng triệu phương tiện vẫn đang phải đỗ tạm bợ ở các khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện hay các khu đất trống.
Thực tế các số liệu mới nhất từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho thấy, dù có quy hoạch từ lâu, Hà Nội hiện vẫn đang thiếu trầm trọng chỗ đỗ xe, khi chỉ có 47 bãi đỗ xe đang khai thác sử dụng với diện tích hơn 44ha. Con số này hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân khu vực nội thành, còn lại gần 90% đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, lòng đường, vỉa hè, hay tại các khu đất trống của các dự án. Thiếu chỗ đỗ xe, nhiều người lâm vào cảnh bạ đâu đỗ xe đấy, gây cản trở giao thông bất chấp biển cấm.
Các số liệu được công bố tại buổi làm việc do Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội và Sở GTVT TP Hà Nội tổ chức mới đây cũng chỉ ra hệ thống hạ tầng của Thủ đô đang phục vụ khoảng 7,9 triệu phương tiện (trong đó 1,1 triệu xe ôtô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ôtô, trên 3%/năm đối với xe máy. Ngoài ra, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác. Đáng lo ngại là tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị chỉ đạt khoảng 10,3% (so với yêu cầu là từ 20 - 26%) và quỹ đất dành cho giao thông tĩnh chỉ đạt dưới 1%.