• :
  • :

Chìa khóa giúp TPHCM hoàn thành mục tiêu xây 200km metro

TPHCM – Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng - gắn với quy hoạch đô thị vùng phụ cận, nhà ga thuộc metro được kì vọng là giải pháp đột phá giúp TPHCM khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai, tạo nguồn ngân sách để sớm hoàn thành nhiệm vụ làm 200km metro trong 12 năm tới.

Chìa khóa giúp TPHCM hoàn thành mục tiêu xây 200km metro

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau 16 năm triển khai mới hoàn thành hơn 95% khối lượng. Ảnh: Anh Tú

Cần nguồn vốn khổng lồ làm metro

Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TPHCM vào năm 2035. Tức là TPHCM phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại khoảng 200km trong 12 năm tới. Đây là thách thức lớn nếu đặt trong bối cảnh 16 năm qua TPHCM chưa làm xong 20 km Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo ông Hoàng Ngọc Tuân - Quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư (Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM - MAUR), đường sắt đô thị chỉ hiệu quả khi hình thành cả một hệ thống, mà muốn hoàn thiện phải có thời gian và huy động được nhiều nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai. Dự án đường sắt đô thị đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ, trong khi việc thu hồi vốn qua hình thức bán vé hầu như không khả thi.

Theo đề án phát triển hạ tầng giao thông và đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng của TPHCM, 7 dự án đường sắt đô thị (chưa có chủ trương đầu tư) cần ưu tiên, tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2035. Tổng kinh phí cho 7 dự án này dự kiến khoảng 210.755 tỉ đồng.

"Hiện nay chúng ta đi vay ODA rất khó khăn, mặt khác các thành tố ưu đãi cũng giảm dần. Do vậy, theo định hướng hiện nay nghiên cứu hướng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, cơ chế PPP đang khó thu hút nhà đầu tư tham gia do chi phí quá lớn, thời gian thu hồi vốn lâu và nhà đầu tư lo ngại tính rủi ro" - ông Tuân cho biết.

TPHCM có nhiệm vụ hoàn thành 200 km metro từ nay đến 2025.  Ảnh: Anh Tú

TPHCM có nhiệm vụ hoàn thành 200km metro từ nay đến 2025. Ảnh: Anh Tú

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, cho phép thành phố được thí điểm mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) gắn với quy hoạch đô thị vùng phụ cận, nhà ga thuộc metro.

Mô hình TOD là mô hình phát triển đô thị với dân cư tập trung mật độ cao, qua đó nâng cao giá trị sử dụng đất trong khu vực bán kính 500 m từ các nhà ga đường sắt đô thị. Mô hình này khi triển khai giúp hình thành các "đô thị nén" quanh nhà ga, kết hợp không gian công cộng. Điều này giống như một mũi tên trúng hai đích: kéo theo nhu cầu đi lại lớn thông qua metro, giúp khai thác hiệu quả tuyến; tạo giá trị lớn cho các khu đất xung quanh các nhà ga, bổ sung nguồn vốn để tái đầu tư hạ tầng.

TOD là “chìa khóa”

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa TPHCM), TOD sẽ là phương thức huy động vốn tốt cho các dự án metro và giao thông giai đoạn tới. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã cho thấy điều này.

“Vùng TPHCM sẽ làm hệ thống đường sắt theo phương thức này. Theo tính toán Nhà nước cần dành 3.522 ha để làm giao thông và đô thị vùng. Tính giá thấp nhất là 20 triệu đồng/m2 sẽ thu được 704.000 tỉ đồng vốn đầu tư, dư tiền để làm các tuyến metro”- ông Mai nói và cho rằng, về thiết bị là tàu điện vận hành, chúng ta có cơ chế để thuê thiết bị, không cần phải vay vốn ODA để đầu tư rất tốn kém, chi phí cao.

Mô hình TOP phát triển đô thị quanh nhà ga metro giúp TPHCM tạo nguồn thu phát triển hệ thống đường sắt đô thị.  Ảnh:  Anh Tú

Nếu áp dụng mô hình TOP phát triển đô thị quanh nhà ga metro sẽ giúp TPHCM tạo nguồn thu phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Ảnh: Anh Tú

Ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, không có thành phố nào trên thế giới phát triển metro lại phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay nước ngoài cũng như dùng ngân sách bù lỗ thông qua hoạt động trợ giá. Do đó, TPHCM từ lâu đã tính khai thác quỹ đất, không gian dọc tuyến theo mô hình TOD.

Tuy nhiên, do không có cơ sở pháp lí nên MAUR chỉ làm các dự án metro theo ranh đã được quy hoạch. Nếu muốn thực hiện thu hồi đất với diện tích rộng hơn trong vòng 500 – 800m xung quanh nha ga để triển khai TOD thì không thực hiện được. “Nghị quyết 98 là cơ sở quan trọng để thành phố thí điểm mô hình TOD, giúp thu hồi, chỉnh trang các khu đất quanh nhà ga metro” – ông Hiển nói.

Tuy vậy, ông Hiển cho biết, khi triển khai TOD sẽ liên quan đến rất nhiều sở, ban, ngành. Kinh nghiệm của Nhật Bản là phải có một cơ quan đứng ra chủ trì việc này.

“Ở Nhật Bản có cơ quan phục hưng đô thị. Họ sẽ được thực hiện dựa trên một luật quy hoạch cho phép cơ quan này triển khai các bước quy hoạch, sau đó phát triển chỉnh trang diện tích đất không những trong mà bên ngoài ranh các nhà ga đô thị. Việc này để vừa tạo phát triển đô thị, vừa tạo thêm nguồn lực tài chính để phát triển các dự án đường sắt đô thị” – ông Hiển nói.

Do đó, mới đây, MAUR đã kiến nghị UBND TPHCM thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm nghiên cứu áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để nhanh chóng triển khai các dự án.

Tổ công tác được đề xuất do Chủ tịch UBND TPHCM là Tổ trưởng; Tổ phó Thường trực là Phó Chủ tịch UBND TPHCM; hai Tổ phó còn lại là lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị và Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC); thành viên là lãnh đạo các sở, ngành thành phố.

Lượt xem: 5
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết