• :
  • :

Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO

Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO, tạo tiền đề để các nước thành viên thể hiện sự thống nhất trong việc ủng hộ Ukraina tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Vilnius, Lithuania trong 2 ngày 11 và 12.7.

Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Thụy Điển - Ulf Kristersson và Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo sau hội đàm ngày 10.7. Ảnh: NATO

Lãnh đạo NATO, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc đàm phán kéo dài 11 giờ trong ngày 10.7 để giải quyết những khác biệt. Sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển - Ulf Kristersson, Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg tuyên bố, đây là "ngày lịch sử" sau khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO.

"Việc Thụy Điển hoàn tất gia nhập NATO là bước đi lịch sử có lợi cho an ninh của tất cả các đồng minh NATO vào thời điểm quan trọng này. Điều này giúp tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn và an toàn hơn" - ông Stoltenberg nói.

Quyết định ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO vẫn cần được quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn nhưng việc ông Erdogan chấp thuận đã thúc đẩy quá trình này. Hungary cũng chưa thông qua quyết định ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO dù Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố quá trình này sẽ sớm được thực hiện.

Có mặt tại Vilnius để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Mỹ - Joe Biden chia sẻ: "Tôi mong được chào đón Thủ tướng Kristersson và Thụy Điển với tư cách là đồng minh NATO thứ 32 của chúng tôi".

Thổ Nhĩ Kỳ từng từ chối đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, cáo buộc Stockholm chứa chấp các nhà hoạt động người Kurd mà Ankara coi là phần tử khủng bố. Ngày 10.7, ông Erdogan tăng thêm sức ép hơn nữa, yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) khôi phục lại nỗ lực trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ như một điều kiện tiên quyết để nước này ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO.

Tuy nhiên, thông cáo sau đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Thụy Điển - NATO nêu rõ, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển sẽ hợp tác chặt chẽ trong phối hợp chống khủng bố và thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.

"Thụy Điển sẽ tích cực hỗ trợ các nỗ lực hồi sinh quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm hiện đại hóa Liên minh Hải quan EU - Thổ Nhĩ Kỳ và tự do hóa thị thực" - thông cáo cho hay.

Cùng ngày, ông Erdogan có cuộc gặp bên lề với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ông Michel cho biết, hai bên đã khám phá các cơ hội "để đưa hợp tác EU - Thổ Nhĩ Kỳ trở lại vị trí hàng đầu và tiếp thêm sinh lực cho các mối quan hệ của chúng tôi".

Thổ Nhĩ Kỳ là ứng cử viên chính thức chờ gia nhập EU từ năm 2005 và là ứng viên có nguyện vọng gia nhập EU từ rất lâu. Tuy nhiên, cuộc đàm phán bị đình trệ. Do đó, tuyên bố ngày 10.7 cho thấy, Ankara và Brussels có thể tiếp tục thúc đẩy thương mại, cập nhật các thỏa thuận hải quan và nới lỏng các quy định về thị thực trong trường hợp không có các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên chính thức của khối.

Trong diễn biến khác, Ukraina có bước tiến trong nỗ lực đảm bảo nước này có thể gia nhập NATO sau khi xung đột với Nga kết thúc. Một quan chức phương Tây tiết lộ với AFP, các thành viên NATO sẽ bỏ yêu cầu Kiev phải hoàn thành "Kế hoạch hành động thành viên" - lộ trình cải cách quân sự mà một số đồng minh trong khối phải tuân theo.

Ngoại trưởng Ukraina - Dmytro Kuleba nhận định, sự nhượng bộ này sẽ rút ngắn chặng đường Ukraina trở thành thành viên NATO.

"Đây cũng là thời điểm tốt nhất để làm rõ về lời mời Ukraina trở thành thành viên" - ông Dmytro Kuleba chia sẻ.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo NATO vẫn còn chia rẽ về việc trao cho Ukraina lộ trình rõ ràng để gia nhập liên minh, theo AFP. Trong khi các đồng minh ở phía đông NATO thúc đẩy để Kiev có được cam kết rõ ràng về thời điểm gia nhập liên minh thì Đức và Mỹ cho rằng, Ukraina sẽ trở thành thành viên vào một thời điểm nào đó.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết