• :
  • :

Chủ tịch Quốc hội: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn hiện nay

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề đẩy mạnh công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn hiện nay.

Phát biểu tại phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn hiện nay
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề đẩy mạnh công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn hiện nay, bao trùm từ trung ương cho đến địa phương, liên quan đến cả khu vực công và khu vực tư, liên quan đến trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sẽ thấy tầm quan trọng của nó, cho nên có thể nói lực lượng tham gia Đoàn giám sát lần này rất hùng hậu và có sự tham gia của rất nhiều các cơ quan bộ, ngành có liên quan.

Tại phiên họp tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án rất quan trọng này. Từ sau tháng 8 đến nay, Đoàn giám sát do đồng chí Phó Chủ tịch Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn đã tiếp tục làm việc với một số các bộ, ngành và địa phương rất quan trọng, đồng thời đã tổ chức tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các dự thảo để trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để chuẩn bị trình cho Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát các mục tiêu, các định hướng lớn và nội dung lớn trong Đề cương giám sát để cho ý kiến toàn diện về báo cáo, tờ trình và trực tiếp là dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội, bao gồm những vấn đề quan trọng, những vấn đề lớn và những nội dung Quốc hội sau khi xem xét phải có nghị quyết để ban hành các quyết sách liên quan đến vấn đề này, tạo điều kiện và làm căn cứ để chúng ta tạo ra một bước chuyển biến cơ bản đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nội dung này là một trong những nội dung quan trọng trong kỳ họp thứ 4 của Quốc hội tới đây.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, tình hình tội phạm vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cũng như công tác thi hành án năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, đây là những báo cáo thường niên hàng năm Tòa án, Viện kiểm sát và Chính phủ liên quan đến lĩnh vực tư pháp, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật cũng như công tác thi hành án, chuẩn bị một bước để trình ra Quốc hội cho ý kiến nội dung này.

Đồng thời, trong phiên họp lần này nhằm chuẩn bị trình Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán 2023 của Kiểm toán nhà nước.

Theo quy định của pháp luật thì Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét và tự mình quyết định chương trình, kế hoạch kiểm toán năm, Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự kiến này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội căn cứ vào Luật Kiểm toán nhà nước và các yêu cầu về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; yêu cầu nâng cao hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước và tài sản công để cho ý kiến về những vấn đề lớn, theo hướng là công tác kiểm toán hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, không quá lan man, vừa sức, tập trung vào những vấn đề lớn, làm đến đâu ra đến đấy, đến nơi đến chốn và làm đúng chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước.

Lượt xem: 96
Tác giả: Quỳnh Nga
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...