• :
  • :

Đảm bảo an toàn thực phẩm cho thành phố 13 triệu dân

Tính cả khách vãng lai, toàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 13 triệu người, vì vậy việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những trọng tâm khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024 - thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân lên rất cao.

Đảm bảo an toàn thực phẩm cho thành phố 13 triệu dân

Đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối ở TPHCM. Ảnh: Thanh Chân

Ngăn chặn thực phẩm bẩn từ đầu nguồn

TPHCM là đầu mối lưu thông lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Tại 3 chợ đầu mối lớn trên địa bàn, lượng nông sản cung ứng thị trường thành phố bình quân 7.600 tấn/ngày. Do đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cũng được siết chặt hơn.

Hiện nay, bước vào cao điểm mua sắm cuối năm, đại diện các chợ đầu mối cho biết, tiểu thương đang khẩn trương dự trữ hàng hóa phục vụ mua sắm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 để đảm bảo giá cả không biến động.

Về khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phía các chợ đầu mối sẽ phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền để nâng cao ý thức của tiểu thương.

Đồng thời, kiểm tra ngoại quan, cảm quan đối với sản phẩm thủy sản kinh doanh tại chợ, đảm bảo độ tươi không có tạp chất. Với rau củ quả sơ chế đảm bảo hàng hóa không ngâm tẩy trắng, thịt phải có niêm phong, truy xuất nguồn gốc.

Đối với các kênh phân phối hiện đại, ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op - cho biết, song song với công tác chuẩn bị nguồn hàng thì công tác kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đơn vị quán triệt, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Cụ thể, đơn vị sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung chính gồm kiểm soát chặt các hồ sơ pháp lý, hồ sơ chất lượng hàng hóa và hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; kiểm soát chất lượng hàng hóa tại điểm bán và nhà cung cấp; nâng cao khả năng xét nghiệm của phòng thí nghiệm gấp 5 - 10 lần so với ngày thường; vận hành hiệu quả xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động nhằm kịp thời kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay tại nguồn…

Các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn dịp Tết Nguyên đán thường là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia… nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM - (bìa phải) trực tiếp kiểm tra tại chợ đầu mối. Ảnh: Thanh Chân

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM - (bìa phải) trực tiếp kiểm tra tại chợ đầu mối. Ảnh: Thanh Chân

Tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm mùa Tết 2024

Cách đây 2 tháng, Sở An toàn thực phẩm TPHCM chuẩn bị công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết 2024. Hiện nay, đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm phục vụ cho dịp này.

Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu… Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Các địa phương cũng sẵn sàng phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, đơn vị tổ chức, triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, rau, củ, quả, mứt, bánh, kẹo, rượu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biển, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước đá; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

TPHCM với quy mô dân số 13 triệu người (tính cả khách vãng lai), Sở An toàn thực phẩm được thành lập giúp đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng. Tuy nhiên, đơn vị này không phải là “cây đũa thần” mà cần có sự chung tay từ người dân để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm này ngày càng tốt hơn.

Trước mắt, trong năm 2024, Sở An toàn thực phẩm cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị.

Bên cạnh đó, không để xảy ra khoảng trống trong kiểm tra an toàn thực phẩm, đẩy mạnh liên kết, quản lý các sở - ngành, tỉnh, thành để bảo đảm thực phẩm sạch tại nguồn…

Về phía Cục Quản lý thị trường TPHCM, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM - cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, công tác quản lý địa bàn, kiểm soát thị trường về các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng… góp phần bảo vệ quyền lợi và an toàn người tiêu dùng trên địa bàn TPHCM.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm

“Năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum”. Đây là thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì diễn ra sáng 3.1, tại Trụ sở Chính phủ.

Theo báo cáo, năm 2023, toàn ngành Y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34,5 nghìn cơ sở vi phạm, trong đó xử lý 14,1 nghìn cơ sở với hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỉ đồng. Ngành Nông nghiệp thanh tra hơn 19,3 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính hơn 1,6 nghìn cơ sở với số tiền 14,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, toàn quốc vẫn ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2,1 nghìn người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum (độc tố rất hiếm gặp).

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị: Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát, tổng kết việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm năm 2010, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động về an toàn thực phẩm; cập nhật thực tiễn, các phương pháp, mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiện đại, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở...
Các Bộ, ngành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho DN, người dân đăng ký công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm, cũng như tiếp nhận thông tin phản ánh từ sự giám sát của các tổ chức, đoàn thể, người dân đối với việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Yến Hoàng

Lượt xem: 7
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết