• :
  • :

Dự án đường sắt 8,3 tỉ USD tạo hơn 90.000 việc làm

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, khi thi công dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng sẽ tạo ra hơn 90 nghìn việc làm.

Dự án đường sắt 8,3 tỉ USD tạo hơn 90.000 việc làm

Dự kiến tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài tuyến chính 390,9km. Ảnh minh họa: dsvn.vn

Chiều 13.2, theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ lắng nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Lý giải sự cần thiết của dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án này nhằm hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và triển khai thực hiện các quy hoạch.

Sau hơn 100 năm, hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Trong nhiều văn kiện, Đảng và Nhà nước đã xác định mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Vừa qua, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện dự án chiến lược khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng sẽ là công trình tiếp theo để hiện thực hóa chủ trương đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đề ra.

Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Đông.

Đồng thời, hành lang này đóng vai trò chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, thuộc khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Thời gian qua, lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã rất quan tâm thúc đẩy triển khai thực hiện dự án, được thể hiện tại các tuyên bố, thỏa thuận, bản ghi nhớ giữa hai bên. Vì vậy, việc triển khai đầu tư dự án là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa chiến lược, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn để sớm khởi công và hoàn thành đưa vào khai thác.

Dự án sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường sắt kết nối cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu - Lào Cai, với cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đi qua 9 địa phương chiếm lần lượt khoảng 20%, 25,4% và 25,1% về dân số, GRDP, khu công nghiệp cả nước.

Theo tính toán, đến năm 2050, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang khoảng 397,1 triệu tấn hàng hóa và 334,2 triệu hành khách.

Để tái cơ cấu thị phần vận tải, giảm chi phí logistics bảo đảm phát triển bền vững, dựa trên vai trò, lợi thế của từng phương thức vận tải, vận tải bằng đường sắt cần đảm nhận khoảng 25,6 triệu tấn hàng hóa, 186 triệu hành khách.

Trong khi đó, tuyến đường sắt hiện hữu khổ 1.000 mm có bán kính đường cong nhỏ, độ dốc lớn, tốc độ khai thác trung bình 50 km/h không kết nối được vận tải liên vận, năng lực cạnh tranh thấp nên chỉ đáp ứng khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa, 3,8 triệu hành khách, phục vụ cho một số hàng hóa, nguyên liệu công nghiệp, khách du lịch chặng ngắn. Do đó, cần phải đầu tư tuyến đường sắt mới để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên hành lang.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, khi triển khai dự án cũng sẽ tạo ra thị trường xây dựng, tạo tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ. Việc đầu tư dự án tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 4,56 tỉ USD, ước tính tạo ra khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng và khoảng 2.500 việc làm lâu dài trong quá trình vận hành, khai thác. Trường hợp tính cả hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 98,3 tỉ USD và hàng triệu việc làm. Đồng thời, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt, ngoài dự án, hệ thống đường tiêu chuẩn cần xây dựng mới khoảng 1.953 km, điều này tạo lập thị trường ổn định, dài hạn để tiếp tục triển khai các dự án trong giai đoạn tiếp theo.

Vì vậy, cùng với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án này là tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.

Dự án hứa hẹn mang lại phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuyến đường sắt sử dụng năng lượng điện sẽ là giải pháp, để chuyển đổi phương thức vận tải góp phần đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26. Đồng thời, tuyến được nghiên cứu, áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại để giảm bớt các tác động tiêu cực của thời tiết, có hệ thống cảnh báo sớm động đất, thiên tai nên rất an toàn, có khả năng chống chịu thời tiết khí hậu khắc nghiệt, bảo đảm lưu thông thông suốt, an toàn trên tuyến giao thông.

Dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận TP Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận TP Hải Phòng.

Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km; đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Tốc độ thiết kế 160 km/h, đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội tốc độ thiết kế 120 km/h, các đoạn nối, tuyến nhánh tốc độ thiết kế 80 km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỉ đồng (khoảng 8,369 tỉ USD).

Lượt xem: 6
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...