Dự kiến tên gọi 7 Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại phiên họp thứ 42. Ảnh: Nghĩa Đức/VPQH
Tại phiên họp thứ 42 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét 27 nội dung, nhóm nội dung gồm 16 nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường thứ 9; 2 nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và 9 nội dung về vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó trọng tâm là phục vụ, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; 4 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết.
Nội dung đáng chú ý được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường thứ 9 khai mạc ngày 12.2 là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 3 dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Tại phiên họp thứ 42, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về số lượng, cơ cấu tổ chức và cách thức quy định các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, đa số ý kiến tán thành với việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Nghĩa Đức/VPQH
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, các nội dung về thẩm quyền của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội đang bám sát với quy định tại Điều 70 của Hiến pháp.
Đối với nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hiện đang được quy định khá cụ thể trong các luật, nghị quyết điều chỉnh về từng lĩnh vực nên cơ bản không có sự giao thoa, chồng lấn.
Hiện chỉ còn vấn đề chưa thực sự rành mạch là phân định giữa phạm vi thẩm quyền lập pháp của Quốc hội với lập quy của Chính phủ và các cơ quan khác.
Do đó, Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng xác định cụ thể hơn những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội.
Đối với các nội dung quản lý nhà nước, các vấn đề, lĩnh vực có tính kiến tạo, phát triển, luật chỉ quy định các nội dung chính sách có tính nguyên tắc, định hướng, chiến lược, để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng.
Đẩy mạnh phân quyền cho Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc tiếp tục cụ thể hóa các quy định của luật và tạo điều kiện cho việc thực hiện phân cấp phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của từng cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp.
Về việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, các cơ quan đều tán thành với nguyên tắc và nội dung phân định thẩm quyền của Hội đồng, Ủy ban như dự thảo Nghị quyết.
Dự kiến các cơ quan của Quốc hội gồm: Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Dân nguyện và Giám sát; Ủy ban Công tác đại biểu.
Hiện tại, các cơ quan của Quốc hội có Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban (gồm Ủy ban pháp luật; Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính Ngân sách; Ủy ban Quốc phòng An ninh; Ủy ban Văn hoá Giáo dục; Ủy ban Xã hội; Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Đối ngoại).
Như vậy, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan của Quốc hội giảm 2 Ủy ban.