Giao thông xanh - cơ hội và thách thức cho Hà Nội
Hà Nội đẩy mạnh giao thông xanh, đặc biệt với xe buýt điện, nhằm giảm ô nhiễm. Luật Thủ đô 2024 đã tạo khung pháp lý quan trọng, nhưng thành phố vẫn đối mặt thách thức về hạ tầng, vốn và chính sách.
Một tuyến buýt điện được Transerco đưa vào khai thác. Ảnh: Minh Hạnh
Nhận diện để phát triển
Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển giao thông xanh. Từ tuyến buýt điện đầu tiên (E03), đến nay thành phố đã có 10 tuyến buýt điện do Công ty TNHH Dịch vụ sinh thái VinBus vận hành với tổng số 143 xe. Sau một thời gian hoạt động, xe buýt điện đã nhận được sự đón nhận tích cực từ người dân. Chất lượng dịch vụ ổn định, các chỉ tiêu về sản lượng và doanh thu đều tăng trưởng so với kế hoạch. Một số tuyến như E01, E03 có sản lượng hành khách cao, nằm trong nhóm dẫn đầu toàn mạng.
Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội, từ khi tuyến xe buýt điện đầu tiên E03 (kết nối khu đô thị Ocean Park - Mỹ Đình) được VinBus đưa vào khai thác vào tháng 12.2021 đến nay, 10 tuyến buýt điện đã phục vụ khoảng 100 triệu lượt hành khách, giúp giảm phát thải khoảng 41.000 tấn CO2, tương đương việc trồng hơn 1,9 triệu cây xanh.
Thực hiện chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí metan và carbon trong ngành giao thông vận tải, ngày 17.1 vừa qua, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã thí điểm sử dụng phương tiện năng lượng điện bằng việc khai trương ba tuyến buýt số 05, 39, 47.
Theo ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội), các tuyến xe buýt điện cho thấy hiệu quả vận hành cao, chất lượng dịch vụ tốt hơn so với xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Xây dựng cơ chế để đột phá
Các chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay nằm ở hạ tầng và nguồn vốn. Hiện tại, VinBus là đơn vị duy nhất tại Việt Nam vận hành xe buýt điện cỡ lớn (68 hành khách). Trong khi đó, các dòng xe trung bình và nhỏ mới đang trong giai đoạn nghiên cứu nhập khẩu hoặc lắp ráp thử nghiệm, chưa được đưa vào khai thác đại trà.
Việc phát triển xe buýt điện đòi hỏi đầu tư vào hệ thống trạm sạc tập trung tại các điểm đầu cuối và depot. Điều này yêu cầu ngành điện đánh giá, quy hoạch và nâng cấp nguồn cung cấp điện để đảm bảo vận hành ổn định. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư và vận hành xe buýt điện cao hơn đáng kể so với xe buýt diesel.
Qua khảo sát, giá xe buýt điện cỡ lớn cao gấp 3,2 lần, còn xe buýt điện cỡ trung bình và nhỏ cao gấp 3 - 4,3 lần so với xe buýt diesel cùng sức chứa. Hiện nay, giá trị khấu hao phương tiện vẫn được tính theo quyết định hiện hành của UBND TP Hà Nội, điều này gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào loại hình phương tiện này.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - nhà nghiên cứu về Hà Nội - cho rằng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện tại Hà Nội còn hạn chế. Để thúc đẩy xe buýt điện, cần có chính sách đồng bộ giúp người dân thấy được lợi ích rõ ràng thì mới tạo động lực thay đổi thói quen đi lại.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Đình Thạo - Giảng viên Bộ môn Đường ôtô và sân bay, Trường Đại học GTVT - cho rằng, triển khai hệ thống giao thông công cộng xanh thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch là hướng đi hợp lý. Tuy nhiên, việc này cần được cụ thể hóa bằng các tiêu chí rõ ràng, bao gồm hạ tầng, cơ chế chính sách và đa dạng hóa phương tiện. Đặc biệt, cần coi đường sắt đô thị là xương sống, kết hợp với buýt lớn, buýt nhỏ để đảm bảo hệ thống giao thông linh hoạt và hiệu quả.
Luật Thủ đô 2024 đã tạo khung pháp lý giúp định hình rõ ràng giới hạn, ưu tiên phát triển các vùng phát thải thấp và mở rộng mạng lưới phương tiện xanh. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đình Thạo, việc đưa xe buýt điện vào hoạt động cần có lộ trình, theo dõi và đánh giá thực tiễn để điều chỉnh phù hợp. Thành phố cần có cơ chế linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp vận hành và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện xanh nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.