Giáp mặt “vàng tặc” nơi thượng nguồn suối Viên
Hành trang của phóng viên luôn dày đặc kỷ niệm về những chuyến đi. Lúc vui ngất trời, lúc buồn tê tái, có lúc gian nan, hiểm nguy rình rập. Tôi đặc biệt ấn tượng với chuyến đi tác nghiệp giáp mặt với “vàng tặc” nơi thượng nguồn suối Viên tại thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Các đối tượng khai thác vàng trái phép trong những khu vực núi rừng, khe suối hiểm trở, nếu không thông thuộc địa bàn, không hiểu được tiếng Pa Cô, không cẩn thận sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Toan tính mãi, cuối cùng tôi quyết định cùng hai đồng nghiệp tìm cách xâm nhập bãi vàng.
Trước khi đi, một người quen đang công tác trong lĩnh vực quản lý khoáng sản kể cho tôi về công tác đấu tranh, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép, có nhóm “vàng tặc” liều lĩnh nấp trong rừng bắn đạn "ria" vào đoàn công tác...
Nhắc đến phóng viên là nhắc đến hành trình “đi và viết”, đằng sau những hành trình tác nghiệp, sau mỗi tác phẩm luôn đầy ắp những kỷ niệm của mỗi phóng viên. |
Khu vực mà chúng tôi xâm nhập được giới khai thác vàng canh gác mật cẩn thận, chỉ có người dân địa phương mới có thể qua lại. Tuy nhiên, cũng không có nhiều người dám “bén mảng” đến gần vì sợ mang vạ vào thân. Mất nhiều thời gian chúng tôi mới tiếp cận được anh N một người dân thông thuộc địa bàn này.
Sau khi chiếm được lòng tin, anh N mới kể cho chúng tôi chi tiết hơn về nhóm người đang khai thác vàng trái phép tại đây. Theo đó, một nhóm khoảng 10 người lạ thường xuyên hoạt động hết sức tinh vi, bí mật. Họ đều là dân “anh chị” ở nơi khác đến đây để khai thác vàng trái phép.
Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn vào bãi khai thác vàng, anh N ái ngại cảnh báo: “Đường vào bãi vàng phải đi qua nhiều ngọn núi cao đường rất khó đi, phải mất nửa ngày may ra mới tới. Khu vực này tuy gần quốc lộ nhưng không sóng điện thoại, trong đó toàn dân “anh, chị” tứ xứ tập trung về đây. Nếu họ phát hiện có phóng viên vào bãi vàng thì rất nguy hiểm”.
Tuy nhiên, trước sự quả quyết của chúng tôi anh N đồng ý dẫn chúng tôi vào bãi vàng đang khai thác, nhưng với điều kiện không được tiết lộ danh tính của anh. Trước khi đi, anh N dặn chúng tôi những từ “nóng” mà chỉ có dân buôn vàng lậu mới sử dụng trong giao dịch, đàm phán.
Nhìn từ trên cao, suối Viên hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ, dòng suối ôm lấy những chân đồi rồi hòa cùng sông A Lin uốn lượn giữa đại ngàn Trường Sơn nhưng khi tới gần suối Viên nham nhở với dòng nước đục ngầu do thường xuyên bị bùn đất, hóa chất đổ xuống để đãi vàng.
Di chuyển về hướng đầu nguồn chúng tôi phát hiện một lán trại đã bị bỏ hoang, các chai nhớt, chén đũa được vứt lại xung quanh. Cạnh đó, rất nhiều đường hầm khoét sâu vào lòng núi, 2 bên mái được gia cố che chắn bằng cây rừng rất kín đáo. Xung quanh lán trại đồ nghề khai thác vàng như: máy nghiền đá, máy phát điện, các máng đãi, xe rùa… chất ngổn ngang. Một số bao tải lớn chứa chất bột màu trắng, khả năng cao là hóa chất dùng để tuyển vàng.
Đi sâu vào trong rừng ven theo con suối, thấy người lạ, một đối tượng xăm trổ xưng tên K tỏ ra hoài nghi mục đích chúng tôi vào đây nên liên tục chất vấn. Dù kịch bản đã được chuẩn bị trước khi xuất phát, nhưng phải rất khó khăn chúng tôi mới vượt qua được “thử thách” của người này.
Phóng viên trong một chuyến đi tác nghiệp |
Sau gần 4 ngày lăn lộn trên các bãi vàng tôi đã có đầy đủ tư liệu cần thiết để thực hiện đề tài được giao. Tối chia tay, ngồi cùng nhau uống chén rượu, hỏi chuyện riêng tư, N cho biết anh về đây sống đã trên 20 năm. Từng làm vàng, buôn gỗ lậu, đồ cổ nhưng rồi số “không đậu” của nên làm được đồng nào cũng hết. Giàu có số. Mình chịu làm nhưng không đậu của thì đành chịu vậy. Bây giờ làm nhì nhằng mấy thứ cây cảnh để nuôi vợ con thôi...
"Từng là vàng tặc, tôi rất hiểu phu vàng là người như thế nào, họ đều dân nghèo cả, tiếng là làm vàng nhưng khốn khổ, cuộc sống cũng chẳng ra gì. Có sướng thì cũng chỉ mấy ông chủ bãi với những người phía sau thôi. Anh viết gì thì tùy, đừng để người ta biết tôi dẫn anh đến các bãi vàng thì mệt lắm. Mà lần sau, đi ngang nhớ ghé chơi và nhớ cho tôi tờ báo có bài viết là được”.
Nhắc đến phóng viên là nhắc đến hành trình “đi và viết”, đằng sau những hành trình tác nghiệp, sau mỗi tác phẩm luôn đầy ắp những kỷ niệm của mỗi phóng viên. Nghề báo không cho phép tồn tại những khái niệm “hình như” hay “nghe nói” mà mỗi thông tin đưa ra đều phải có cơ sở, căn cứ, xuất phát từ quá trình khảo sát thực tế và trên cơ sở tiếp cận đa chiều.
Vinh quang và nước mắt luôn song hành, nhưng khi đã chọn nghề thì những người làm báo đều luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp.