• :
  • :

Hà Nội tập trung 5 trụ cột, 4 đột phá để phát triển

Đóng góp ý kiến với Quy hoạch Thủ đô các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Quy hoạch cần xác định rõ những điểm nghẽn, khâu đột phá riêng, đặc thù của Hà Nội để có giải pháp trọng tâm triển khai, tháo gỡ.

Hà Nội tập trung 5 trụ cột, 4 đột phá để phát triển

Quy hoạch Hà Nội đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian. Ảnh: Tô Thế

Khơi thông những điểm nghẽn

Ngày 9.1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dự và chủ trì hội nghị.

Báo cáo tóm tắt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.

Theo đó, Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian. Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; phát triển đô thị xanh; lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”.

Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: Không gian xây dựng; không gian ngầm; không gian số; không gian văn hóa; không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).

Ngoài ra, Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quy hoạch còn xác định 4 đột phá phát triển, bao gồm: Đột phá về thể chế và quản trị; đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông

Cho ý kiến vào Quy hoạch Thủ đô, TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Quy hoạch cần xác định rõ vai trò, vị trí của thành phố Hà Nội trong giai đoạn này so với tiến trình mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra.

Ông Sinh cũng cho rằng, quy hoạch đề cập các điểm nghẽn đúng với tất cả các địa phương, nhưng chưa nêu bật được điểm nghẽn riêng, đặc thù của Hà Nội, trong đó có thể kể đến như điểm nghẽn về giao thông ngầm và thể chế, cụ thể là mô hình quản trị đô thị.

Theo GS.TS Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, phát triển cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt, cần định hướng rõ rệt, biện pháp cụ thể cho giao thông đô thị thành phố Hà Nội. Ông Khuê kiến nghị xây dựng một chương trình hành động mang tính đột phá về phát triển giao thông công cộng Hà Nội cho 10 - 15 năm tới.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Quy hoạch Thủ đô cần đánh giá rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, xác định điểm nghẽn đang cản trở phát triển của Hà Nội thời gian qua; xác định rõ hơn vai trò, vị thế, sứ mệnh của Hà Nội đối với sự phát triển của vùng.

Đồng thời, cần có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên, có tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra động lực mới, giá trị mới cho Hà Nội.

Những mục tiêu cụ thể

Báo cáo Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh.

Lượt xem: 7
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết